Chiến lược kiểm soát bệnh Dại tại nước ta trong giai đoạn tới như thế nào?
12/09/22 03:26PM

Chương trình quốc gia khống chế, tiến tới loại trừ bệnh Dại, giai đoạn 2017 - 2021 kết thúc vào cuối tháng 12 năm 2021, để duy trì những kết quả đã đạt được trong việc kiểm soát bệnh Dại trên người và động vật, và hướng đến kết quả không có ca bệnh Dại trên người tại Việt Nam, Chính phủ vẫn tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tích cực tham gia phòng, chống bệnh này. Việc xây dựng và phê duyệt Chương trình kiểm soát bệnh Dại cấp quốc gia trong giai đoạn tới là rất cần thiết.

Hiện nay các đơn vị tham mưu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan đã chủ động đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình triển khai thực hiện “Chương trình quốc gia khống chế, tiến tới loại trừ bệnh Dại, giai đoạn 2017 - 2021” và xây dựng Dự thảo “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022 - 2030” để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ hướng đến mục tiêu sẽ kiểm soát được bệnh Dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030. Cụ thể, tỷ lệ tiêm phòng Dại cần đạt ít nhất 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025 và 80% trong giai đoạn 2026 - 2030. Trên 90% số người bị động vật cắn được điều trị dự phòng bệnh Dại sau phơi nhiễm. Để đạt được những mục tiêu này, cần thực hiện tốt các nội dung gồm có:

 - Quản lý đàn chó, mèo.

- Tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo.

- Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người.

- Rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng, chống bệnh Dại.

- Thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi trong phòng, chống bệnh Dại.

- Điều tra, ứng phó, xử lý ổ dịch Dại bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về thú y và y tế.

- Giám sát bệnh Dại trên động vật, trên người để kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý các trường hợp mắc bệnh Dại, nghi mắc bệnh Dại theo quy định.

- Tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán bệnh Dại ở động vật và ở người.

- Đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở, vùng an toàn bệnh Dại.

- Kiểm soát vận chuyển chó, mèo theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y; tổ chức lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút Dại đối với chó, mèo được vận chuyển.

- Nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ, đặc điểm sinh học phân tử của vi rút Dại tại Việt Nam; các phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm bệnh Dại; vắc xin phòng bệnh Dại.

- Phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về phòng, chống bệnh Dại.

- Phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp để tổ chức nghiên cứu, sản xuất, cung ứng vắc xin Dại trên người và động vật phù hợp, hiệu quả.

(Nguồn: tapchi.hoithuyvietnam.org.vn)