Gà con lớn không đều có con không phát triển, đi phân nâu đỏ. Cho tôi biết gà bị bệnh gì?
12/11/20 10:36AM

Chào bạn!

Gà lớn không đều có thể do mật độ nuôi cao, thức ăn không đủ dinh dưỡng và gà bị bệnh. Biểu hiện gà con bị tiêu phân đỏ (phân sáp) có thể do bệnh cầu trùng

1. Nguyên nhân: Bệnh chủ yếu do các loại cầu trùng như: Eimeria tenella (ký sinh ở manh tràng), Eimeria necatnix (ký sinh trùng ở ruột non), E.acervulina, E.maxima, E.brunetti.

2. Phương thức truyền lây: Bệnh lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa do gà ăn phải nang của cầu trùng có trong thức ăn, nước uống bị nhiễm mầm bệnh.

3. Triệu chứng:

3.1. Eimeria tenella: (cầu trùng ký sinh ở manh tràng)

* Chủ yếu xảy ra ở gà từ 2-8 tuần tuổi. Có 2 thể bệnh:

- Ở thể cấp tính: Gà ủ rũ, ăn ít, uống nước nhiều, lúc đầu đi phân có bọt màu vàng hoặc hơi trắng, sau phân có màu đỏ nâu do lẫn máu (phân gà sáp), gà đi lại khó khăn, xã cánh, xù lông, mắt trũng sâu, niêm mạc nhợt nhạt, chân gập lại, quỵ xuống và chết sau khi có biểu hiện co giật từng cơn.

- Ở thể mãn tính: Bệnh tiến triển chậm hơn như gầy ốm, xù lông, kém ăn, chân đi như bị liệt, tiêu chảy thất thường…Do tính chất bệnh không điển hình khó chẩn đoán. Ở thể này gà là vật mang mầm bệnh.

3.2. Eimeria necatrix: (cầu trùng ký sinh ở ruột non) ký sinh chủ yếu ở tá tràng gà giò, gà lớn (lớn hơn 4 tháng tuổi). Triệu chứng của bệnh biểu hiện không rõ dễ nhằm lẫn với các bệnh khác. Gà cũng gầy yếu, xù lông, kém ăn, chậm lớn, tiêu chảy, phân sáp, có khi phân lẫn máu tươi, gà mái mắc bệnh thường giảm đẻ…

4. Bệnh tích:

4.1. Eimeria tenella:

Xuất huyết niêm mạc manh tràng và trương to ở 2 manh tràng. Manh tràng có tính đàn hồi màu xanh thẩm. Mổ ra manh trong có xuất huyết tấm tấm và đầy máu. Nặng thì 2 manh tràng xuất huyết, hoại tử từng mảng đen.

4.2. Eimeria necatrix:

- Tá tràng sưng to, ruột phình to từng đoạn khác thường, chỗ vách ruột trương to thường dễ vỡ, trong ruột chứa chất lỏng bẩn thối có lợn cợn bã đậu. Bề mặt niêm mạc ruột dày lên có nhiều điểm trắng đỏ.

- Bệnh nặng thường thấy máu tươi lẫn lộn với các chất chứa trong ruột (tiêu phân sống).

5. Phòng trị:

5.1. Phòng bệnh:

- Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, vệ sinh thức ăn, nước uống sạch sẽ tránh nhiễm mầm bệnh từ nền chuồng, ủ phân gà bằng phương pháp vi sinh vật tạo nhiệt để diệt cầu trùng.

- Sát trùng chuồng trại định kỳ.

5.2 Điều trị:

Dùng thuốc Toltrazuri kết hợp Triethanolamine, Sulfamid (trộn tỷ lệ 5%). Trên thị trường thuốc thú y bạn tìm mua sản phẩm anticoc và xem theo hướng dẫn để điều trị

Chúc bạn thành công!

(Nguồn: Bạn nhà nông)