Hiện tượng ong cướp mật của nhau thì xử lý như thế nào?
20/05/14 10:34AM

Ong cướp mật của nhau là hiện tượng thường xảy ra trong một trại ong. Cũng có trường hợp nhà chỉ nuôi một đàn mà vẫn bị một đàn ong lạ đến cướp mật. Người nuôi ong phải thường xuyên quan sát. Khi thấy đàn ong bị nhốn nháo, trước cửa tổ ong ra vào vội vàng, ong thợ bay vù vù và đánh nhau, trước tổ có nhiều ong thợ bị chết: kiểm tra cầu ong thấy bị mất mật; như vậy là đàn ong đang bị một đàn ong khác đến cướp mật. Người nuôi ong phải áp dụng ngay các biện pháp để xử lý, bảo vệ đàn ong. Nếu để cho ong lạ đến cướp hết mật, đàn ong có thể bị bốc bay do vị trí ở không được yên.

Hiện tượng cướp mật của nhau xẩy ra do mấy nguyên nhân sau:

-       Do ong bị đói, thiếu thức ăn ngoài thiên nhiên mà không được cho ăn bổ sung. Khi phát hiện thấy tổ ong khác có nhiều mật rủ nhau đến cướp.

-       Do thùng nuôi ong bị hở, mùi mật toả ra kích thích ong lạ đến ăn mật.

-     Do khi quay mật làm rơi vãi ra, hoặc khi cho ong ăn bị dây đường ra tổ để cho ong lạ phát hiện đến ăn rồi cướp mật của tổ ong bên cạnh.

-       Trong một trại ong có đàn nhiều mật, có đàn không có mật cũng sinh ra hiện tượng cướp mật của nhau. Đàn ong đói cướp của đàn no.

Phương pháp xử lý hiện tượng này: trước tiên phải dùng vòi bơm phun nước để giải tán đám ong đang tập trung trước tổ. Đồng thời lấy một cục bông tm dầu hoả đặt trước ca tổ để đuổi ong lạ đến cướp mật. Sau đó đóng cửa thùng ong bị cướp mật lại và tìm nguyên nhân để khắc phục. Tốt nhất là sau khi đuổi được đàn ong cướp mật đi rồi nên di chuyển đàn ong bị cướp sang vị trí khác để đàn ong này cướp mật không có cơ sở cướp lại lần thứ 2.

Trong trường hợp ong cướp mật xảy ra khi đang quay mật thì phải ngừng quay mật ngay để xử lý đã rồi mới tiếp tục quay ở một vị trí khác xa đàn ong.

(Nguồn: Một trăm câu hỏi đáp nuôi ong lấy mật/ Phan Đức Nghiệm.-H.: Khoa học tự nhiên và công nghệ, 2010.- 136tr., 19cm.-Đăng ký cá biệt: VB20103071)