Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bò cái lai Zêbu sinh sản.
23/06/22 03:36PM

Thực hiện phương thức phối tinh nhân tạo để bê sinh ra có tỉ lệ máu ngoại cao, phẩm giống tốt, nhanh lớn.

1. Có sự chọn phối để có bê lai đẹp:

- Thực hiện phương thức phối tinh nhân tạo để bê sinh ra có tỉ lệ máu ngoại cao, phẩm giống tốt, nhanh lớn.

- Những hộ có điều kiện đầu tư và bò cái có trọng lượng ≥250kg nên chọn phối tinh bò chuyên thịt (Charolais, Angus ...).

2. Biện pháp để nâng cao tỉ lệ thụ thai:

- Bò cái tơ nên bỏ qua một vài lần động dục ban đầu, khi bò đạt 70% trọng lượng trưởng thành mới cho phối giống.

- Bò cái sau khi sinh động dục trở lại trước 40 ngày nên bỏ qua và phối giống ở kỳ động dục tiếp theo.

- Theo dõi và nắm rõ thời gian kéo dài động dục ở bò cái để giúp dẫn tinh viên xác định thời điểm phối giống thích hợp.

- Khi phát hiện bò cái động dục, giữ bò tại chuồng và liên hệ ngay với dẫn tinh có tay nghề thành thạo để phối giống.

- Ghi chép ngày phối và theo dõi, nếu sau khi phối giống 21 ngày mà bò cái không động dục trở lại thì bò đã có chửa.

- Bò cái phối giống 1-2 lần mà không có chửa cần kiểm tra các bệnh về sinh sản.

3. Hạn chế nguy cơ chết thai, sẩy thai:

- Trong tháng chửa đầu không để bò ăn phải các chất độc và chỉ sử dụng các thuốc phòng trị bệnh cho bò khi cần.

- Bò gần đẻ không chăn dắt nơi dốc cao, không để bò húc nhau, không rượt đuổi bò, không cho bò cày kéo nặng.

4. Không để bò cái gầy sau khi sinh:

- Từ tháng chửa thứ 7 đến lúc đẻ và sau đẻ cần cho ăn đầy đủ cỏ xanh, bổ sung thêm thức ăn tinh từ 1- 2kg/con/ngày.

- Thức ăn tinh cho bò cái có thể sử dụng cám công nghiệp hoặc hỗn hợp tự phối trộn có hàm lượng đạm 14%.

5. Giai đoạn bò đẻ cần chăm sóc tốt:

- Trước ngày bò đẻ cần vệ sinh bò cái, chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ; giữ bò tại chuồng và cho ăn uống đầy đủ; chuẩn bị các đồ dùng để đỡ đẻ cho bò.

- Phải bố trí người trực để chăm sóc bò khi đẻ và phòng khi gặp những trường hợp bất thường.

- Cần giữ yên tĩnh khi bò cái đang đẻ và để bò đẻ một cách tự nhiên. Bê sinh ra, móc sạch nhớt ở mũi và miệng, dùng giẻ lau sạch bê, bóc móng, cắt rốn đúng cách và cho bú sữa đầu ngay.

- Trường hợp sau vỡ ối 30-45 phút mà thai chưa ra hoặc sau khi sinh 5-6 giờ mà nhau chưa ra, cần báo thú y can thiệp (người có kinh nghiệm).

- Bò mẹ đẻ xong cho uống nhiều nước cháo loãng có pha ít muối (nếu hứng được nước ối cho uống thì tốt).

- Trường hợp bê sinh ra yếu không thể tự bú được, cần giúp để bê bú được sữa đầu (vắt cho uống hoặc đỡ cho bê bú).

- Sau khi sinh, cần quan sát sản dịch và các dấu hiệu liên quan để phát hiện bệnh viêm nhiễm ở đường sinh dục, nhất là bệnh sót nhau, viêm tử cung ....

- Nuôi giữ bò tại chuồng khoảng 1 tuần, sau đó chăn thả từ gần tới xa để bê quen dần. Theo dõi động dục của bò cái để phối giống trở lại.

- Giữ cho bê được ấm áp, nhất là những tuần đầu sau khi sinh. Tập cho bê sớm quen với cỏ non và thức ăn tinh; thường xuyên có nước uống tại chuồng.

6. Loại thải những bò cái sinh sản kém:

- Những bò cái tơ có ngoại hình xấu, tầm vóc bé, bộ phận sinh dục phát triển kém và chậm lên giống cần phải loại thải.

- Những bò cái đẻ thưa, sẩy thai nhiều lần, thường đẻ khó, nuôi con kém hay quá già yếu cần phải loại thải.

​7. Thực hiện tốt công tác phòng bệnh:

- Hàng ngày vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống sạch sẽ; định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và thu gom phân để ủ.

- Sử dụng thức ăn, nước uống không bị nhiễm độc, nhiễm bẩn và mùa nắng thường xuyên tắm chải cho bò, bê.

- Cách ly bò bệnh với bò khỏe, những bò mới mua về nên nuôi riêng ít nhất 3 tuần để theo dõi.

- Tẩy giun đũa cho bê lúc 1, 3 và 6 tháng tuổi; tẩy sán lá gan lúc bò 12 tháng tuổi và sau đó tẩy định kỳ 6 tháng/lần.

- Tiêm phòng vác xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng theo lịch của thú y.

- Khi phát hiện bò có dấu hiệu bệnh cần báo ngay cho thú y hoặc kỹ thuật viên, việc can thiệp càng sớm càng tốt.

(Nguồn: snn.quangngai.gov.vn)