Nhà tôi có 1 con lợn 2 tháng rưỡi (hơn 1 yến) dạo gần đây nó bị mẩn đỏ khắp mình, một thời gian thì nó bong tróc. Xin hỏi nguyên nhân của là gì và cách điều trị ra sao?
16/11/20 04:28PM

Chào bạn!

Có thể do những nguyên nhân sau:

1. Heo bị thiếu nguyên tố vi lượng như Kẽm (Zn):

- Bệnh xảy ra trên heo thịt, lứa tuổi dễ mắc bệnh từ 3 tháng đến 6 tháng. Bệnh không làm heo chết, song heo chậm lớn, phụ nhiễm vi trùng và ký sinh trùng ngoài da.

- Thời gian ủ bệnh kéo dài nhiều tuần, trong thời gian này heo chậm lớn, thời kỳ phát bệnh biểu hiện bằng sự dày lên của lớp thượng bì, sau đó xuất hiện các nốt đỏ trên da như muỗi cắn, về sau da bị thoái hóa sừng, dầy lên, bong tróc.

a. Nguyên nhân:

- Do khẩu phần ăn thiếu kẽm.

- Ngoài ra, lượng kẽm trong khẩu phần đầy đủ nhưng vẫn xảy ra tình trạng thiếu kẽm là do trong thức ăn có chứa calci, phospho tạo nên sự cạnh tranh hấp thu hoặc tạo nên phức chất không hòa tan làm cho kẽm không hấp thu được.

b. Triệu chứng:

- Heo thịt chậm lớn.

- Da của heo không trơn láng, có nhiều mày trắng xuất hiện, thỉnh thoảng thấy heo cọ gãi.

- Bệnh phát ra khi trên da heo xuất hiện các đốm đỏ nhỏ như muỗi cắn, tập trung tại các vùng da mỏng, sau đó sẽ lan dần sang các vùng da khác, với đặc điểm đối xứng qua đường giữa lưng và đường trắng dưới bụng.

- Trong thời gian này do sức đề kháng của da yếu, vi trùng, nấm da, cái ghẻ sẽ phụ nhiễm, gây tổn thương các điểm đỏ làm mở rộng các điểm này, tạo nên vùng hoại tử lớn, hoặc rất nhiều vùng hoại tử nhỏ trên da, dịch viêm từ vết thương chảy ra tạo thành lớp mày, đóng trên da.

- Heo ngứa ngáy, cọ gãi suốt ngày, không thích ăn và hầu như không ngủ được.

c. Phòng bệnh:

- Không nên sử dụng cám gạo quá 25% trong khẩu phần nuôi heo.

- Cân đối Canxi và Phospho hợp lý, không nhiều canxi trong thức ăn nuôi heo. Nên sử dụng sản phẩm calciphos cân đối hàm lượng Canxi và Phospho hợp lý cho heo.

- Sử dụng các premix vi khoáng có chứa kẽm.

d. Điều trị:

- Khi phát hiện bệnh nên nhanh chóng bổ sung ngay sulfate kẽm vào thức ăn với liều 1,5g cho 1 kg thức ăn, cho thú ăn liên tục trong 4-6 ngày.

- Tiến hành điều trị vết thương trên da, bằng việc giữ vệ sinh da hoặc phun xịt thuốc sát trùng lên da để diệt vi trùng.

- Nếu sự nhiễm trùng quá nặng, thú có triệu chứng sốt, có thể tiêm kháng sinh cho thú: penicyline, ampiciline,…

- Hạ sốt cho thú bằng: ANALGINE+C, Kháng viêm: Dexa.

- Tăng cường vitamin, bổ sung men tiêu hóa... vào thức ăn hoặc nước uống.

2. Có thể heo bị ký sinh trùng ngoài da dẫn đến viêm da toàn thân:

a. Nguyên nhân:

Bệnh ngoại ký quan trọng trên heo là bệnh do rận và ghẻ. Bệnh phát triển trên heo nuôi dưỡng ở điều kiện vệ sinh kém

b. Triệu chứng:

Bệnh do cái ghẻ Sarcoptes scabiei var suis đào hang ở lớp biểu bì dưới da để đẻ trứng và hút chất dinh dưỡng. Cái ghẻ đẻ 1-5 trứng mỗi ngày, vòng đời phát triển của cái ghẻ từ trứng đến trưởng thành có khả năng sinh sản từ 10-15 ngày... Khi nhiệt độ cao heo càng ngứa do cái ghẻ hoạt động càng mạnh. Vùng da ghẻ ký sinh nổi gồ lên và phủ lớp vẩy màu nâu, sau đó viêm da, sần sùi. Những vẩy ghẻ dầy từ từ tróc ra chứa nhiều cái ghẻ là nguồn lây lan chính

c. Phòng bệnh:

- Giữ vệ sinh chuồng trại, thường xuyên tắm chải heo và phun thuốc sát trùng Vimekon định kỳ 10 ngày 1 lần.

- Hàng tháng phải kiểm tra ngoại ký sinh một lần và phun thuốc diệt côn trùng như như permethrin, lindane, chloradane... chú ý khi phun cần bảo đảm phủ đều 100% gia súc, những vết nứt, nền chuồng, vách chuồng, khe cửa.

- Bổ sung Biotin H-AD khẩu phần thức ăn kết hợp tiêm Poly AD 1ml/20kg thể trọng định kỳ hàng tháng.

d. Điều trị:

- Heo nái và heo hậu bị phải được điều trị trước khi đẻ để bảo đảm không có mầm bệnh trước khi đưa vào chuồng đẻ làm lây lan cho heo con. Có thể sử dụng thuốc Ivermectin tiêm cho heo 1ml/10kg thể trọng, trị cùng lúc nội ngoại ký sinh trùng tiêm trong 2 ngày lập lại lần thứ 2 sau 10-14 ngày.

- Bôi mở ghẻ ở những vùng có bệnh tích.

- Bổ sung Biotin H- AD khẩu phần thức ăn kết hợp tiêm Poly AD 1ml/20kg thể trọng.

3. Heo bị viêm da do dị ứng (không rõ nguyên nhân gây dị ứng):

Điều trị:

- Chống nhiễm trùng bằng kháng sinh: peniciline, marbo,…

- Kháng viêm: Dexamethasol, presnisolone (chỉ sử dụng trong 3 ngày)

- Hạ sốt, an thần: anagil, vitamin C

- Điều trị liên tục 3 ngày.

- Bổ sung thêm vitamin, men tiêu hóa vào khẩu phần thức ăn

- Sát trùng chuồng trại tránh lây nhiễm

Chúc bạn thành công!

(Nguồn: bannhanong.vn)