Nhà tôi nuôi gà sinh sản Ai Cập. Mấy ngày nay gà đi ngoài phân xanh vàng, 1 số con có biểu hiện kêu lóp cóp giống như bị hen, gà kém ăn, 1 số con thì mắt màu tím và chảy nước mắt, tôi đã dùng thuốc Đoci và có 1 số con chết. Khi kiểm tra thì thấy gan gà sung, tim có màng, bị méo buồng trứng. Xin tư vấn cách khắc phục?
29/12/21 10:35AM

Chào bạn!

Gà nhà bạn có thể do vi khuẩn E.coli gây bệnh kết hợp bệnh hô hấp mãn tính.

1. Bệnh hô hấp mãn tính (CRD):

* Nguyên nhân: Do vi trùng Mycopasma gallisepticum gây ra. Bệnh lây lan qua đường hô hấp. Gà 10-15 tuổi thường nhiễm bệnh.

* Triệu chứng và bệnh tích:

- Gà ho khò khè chảy mũi, gầy ốm, xương lưỡi hái nhọn do bắp thịt ức teo.

- Chân khô móp lại rất gầy ốm rồi chết. Khi thời tiết thay đổi lạnh quá hay nóng quá thì gà ho nhiều. Do nước nhớt chảy ra lỗ mũi nên gà hay hắt hơi “khẹt khẹt”.

- Khi mổ gà bệnh ra thấy:

+ Túi khí quanh phổi bị đục do viêm mãn tính có chứa nước nhờn vàng.

+ Bao tim cũng bị viêm đục và dầy.

+ Quanh mề bị phủ một lớp màng đục. Lâu ngày thấy có khối mủ bã đậu đọng lại trong xoang bụng.

+ Bao khớp viêm chứa nhiều nước nhờn.

* Phòng và chữa bệnh:

- Giữ vệ sinh chuồng trại cho tốt, không nhốt gà nơi chật hẹp, ẩm thấp hay nóng quá. Cho gà ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.

- Trộn vào thức ăn hay nước uống cho gà 5-6 ngày liền: Suanovil 1g/2,5lít nước, Tylozine 0,5g/lít nước, Terramycine 5mg/con/ngày.

- Tiêm thịt một trong các loại thuốc sau liên tục 3-4 ngày:

+ Suanovil 20, Lincomycine, Enrofloxacin, Norfloxacin liều 1ml/4 kg thể trọng. Suanovil 5, liều 1ml/kg thể trọng.

+ Suanovil 20 liều 1 ml/4 kg thể trọng.

+ Tylozine 20 mg/kg thể trọng, Terramycine 20-30mg/kg thể trọng.

2. Bệnh do E.coli:

Bệnh truyền nhiễm đặc trưng với các biểu hiện: nhiễm trùng máu, viêm túi khí, rối loạn hô hấp và tiêu hóa. Bệnh có thể phát ra ở mọi lứa tuổi gà, vịt, ngan, ngỗng song nặng nhất khi gia cầm ở độ tuổi 1-21 ngày. Bệnh có tên là Coliseptiaemia (nhiễm trùng huyết do vi khuẩn E.coli).

* Dịch tễ bệnh và cơ chế sinh bệnh:

- Vi khuẩn E.coli có rất nhiều chủng và chúng có mặt khắp mọi nơi. Trong cơ thể bình thường của bất cứ loại gia súc, gia cầm.

- Bệnh chỉ xảy ra khi có các yếu tố stress. Đặc biệt là E.coli thường kết hợp với vi khuẩn Mycolasma sp gây viêm túi khí thúc đẩy bệnh hen gà (CRD) nặng hơn, hình thành bệnh ghép giữa E.coli và CRD.

- Bệnh không có tính chất thời vụ mà chỉ phụ thuộc vào các điều kiện ngoại cảnh thúc đẩy giúp E. Coli dễ bùng phát.

* Các triệu chứng bệnh

- Thể tiêu hóa:

Bệnh xảy ra chủ yếu ở gà con 1-40 ngày tuổi, nhưng nặng nhất là 3 tuần đầu. Thuông thường lúc mới phát số gà bệnh chỉ chiếm khoảng 10-20% trên tổng đàn. Nếu không được ngăn chặn ngay thì bệnh sẽ nhanh chóng lây lan khắp đàn và tỷ lệ chết rất cao 30-40%.

Các biểu hiện đường hô hấp được người chăn nuôi phát hiện sớm nhất: gà con từ 1-21 ngày tuổi, hen khò khè, viêm túi khí, 2 cánh sã ngang chân, dang rộng để hít khí, miệng bán mở theo nhịp thở, trông gà bệnh lúc này rất giống bệnh hen gà (CRD) ở giai đoạn cùng tuổi. Khi bắt gà ốm quan sát ta thấy khác với CRD ở chỗ là gà nóng sốt, viêm mí mắt, buồn, ủ rũ, lông xù, tiếng kêu yếu ớt, có một số gà bị viêm khớp, khi sờ nắm gà bị đau, khớp bị sưng tấy...

Biểu hiện đặc trưng nhất sau các triệu chứng hen là gà bị ỉa chảy. Phân vàng xanh hoặc vàng trắng lẫn bọt khí là dấu hiệu đặc trưng của gà bị nhiễm bệnh E. coli. Những người chăn nuôi và kỹ thuật phải chú ý thật kỹ mới quan sát được. Khi quan sát phải tập trung vào những gà có triệu chứng hen, ỉa chảy, sốt và bị viêm khớp thì mới thấy phân lẫn bọt khí, nếu không chúng ta sẽ bị nhầm với các dạng ỉa chảy do các nguyên nhân khác gây nên.

-  Thể viêm túi khí:

Đây là dạng bệnh E. coli mãn tính. Tức là khi xảy ra nhiễm trùng huyết do E. coli thì gà đang nung bệnh hoặc đang có một bệnh khác. Thường gặp nhất là hen gà (CRD), sổ mũi truyền nhiễm (CI, CA), viêm phế quản truyền nhiễm (IB), Gumboro (IBD…

Triệu chứng gà sốt, ủ rũ, xù lông, ỉa chảy, ỉa vàng xanh, vàng trắng lẫn bọt khí... thì sau đó các triệu chứng ho thở nổi lên rất rõ và rất nặng, đa số người chăn nuôi thường cho là CRD thuần túy, trong khi đó bản chất của bệnh là CCRD.

Dạng bệnh này thường xuất hiện ở gà từ 3 tuần đến 2 tháng tuổi. Tỷ lệ này tuy thấp song thiệt hại về tăng trọng, tiêu tốn thức ăn thì lại rất cao, hiệu quả chăn nuôi kém.

- Bệnh tích:

Phổi, gan, nách bị tụ máu, phổi chứa nhiều nước, có các ổ viêm màu thâm-bị gan hóa, gan và lách sưng to, cứng hơn thường. Tụ máu ven của gan, lách là bệnh tích đặc trưng của nhiễm trùng huyết.

Ruột bị viêm cata và chứa đầy khí.

Trên các màng gan, tim, màng treo ruột có các điểm xuất huyết hoặc màng giả màu trắng.

Ngoài các bệnh tích trên túi khí bị dầy lên, trên bề mặt túi khí có rất nhiều mảng Fibrin như bã đậu bám dính, bề mặt của gan, tim, nách cũng được phủ 1 lớp màng trắng mỏng hơn.

Nhìn chung những gà đã bị E.coli lúc dưới 3 tuần đến giai đoạn này thường bị còi hơn rất nhiều so với những gà khỏe khác cùng lứa tuổi. Gà ốm chết rải rác, không chết dồn dập như khi còn bé.

- Điều trị bệnh:

Đối với gà nuôi thịt và gà đẻ trứng thương phẩm có thể dùng các thuốc kháng sinh để trị bệnh như sau: gentamycine, tetramycine, colistin, neomycine… (Thuốc mua tại cửa hàng thuốc thú y, xem hướng dẫn trên nhãn thuốc)

Nếu bệnh ghép với CRD, bạn có thể dùng các kháng sinh Lincomycine, Enrofloxacin, Norfloxacin

Cần cho uống thêm Vitamin C-Electrolyte: Liều 1g/2-4 lít nước, cho uống tự do hằng ngày theo nhu cầu.

Chú ý: Khi gà bệnh chữa rất khó, chúng ta phải kiên trì và dùng thuốc đúng chỉ định 5-7 ngày cho toàn đàn gà thì mới khỏi. Không nên thấy gà bệnh đỡ sau khi dùng thuốc 3-4 ngày mà chúng ta dừng lại không điều trị tiếp thì chỉ 7-10 ngày sau bệnh lại trở lại lúc ban đầu khi chưa điều trị.

Vệ sinh, phun thuốc sát trùng chuồng trại bằng thuốc sát trùng như vikon, benkocid…

- Phòng bệnh:

Việc áp dụng các qui trình quản lý và vệ sinh là quan trọng nhất. Gà, trứng phải mua những nơi, trại không có bệnh. Gà mới mua về phải cách ly và theo dõi. Nuôi cách ly gà lớn với gà con. Định kỳ trộn kháng sinh hay Sulfamid vào thức ăn hay nước uống.

Định kỳ kiểm tra máu gà, những đàn bị nhiễm hơn 20% không giữ làm giống. Máy ấp và trứng ấp phải sát trùng kỹ.

Nếu bệnh xảy ra ở gà con với số lượng ít thì nên loại cả đàn để trừ nguồn bệnh. Nếu bệnh xảy ra cả đàn với số lượng lớn nên loại bỏ những con nặng, điều trị những con nhẹ để hạn chế tổn thất kinh tế. Những gà này chỉ được phép nuôi lấy thịt.

Tuy nhiên, nếu gà bạn bị bệnh, bạn nên liên lạc với các cán bộ kỹ thuật ở Chi cục Thú y gần bạn sinh sống để được hướng dẫn cụ thể hơn.

Chúc bạn thành công.

(Nguồn: bannhanong.vn)