Xin cho biết dấu hiệu nhận biết và cách phòng, chống dịch bệnh do virut TiLV gây ra trên cá Rô phi
22/02/21 03:57PM

Để phòng ngừa bệnh này khuyến cáo người dân một số biện pháp như sau:

1. Dấu hiệu nhận biết bệnh do TiLV trên cá Rô phi:

a. Một số đặc điểm dịch tễ của bệnh:

- Vi rút TiLV gây bệnh ở các loài cá rô phi nuôi, gồm: Cá rô phi vằn, cá rô phi lai tạo và cá rô phi đỏ/cá diêu hồng. Các loài cá rô phi hoang dã như cá rô phi xanh cũng mẫn cảm với vi rút này.

- Tỷ lệ chết có thể lên đến 90%; bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu tập trung ở cá giống (cá con).

- Bệnh lây lan theo chiều ngang, từ cá bệnh sang cá khỏe trong cùng ao nuôi, trại nuôi, qua nguồn nước, dụng cụ, ....

b. Dấu hiệu bệnh lý:

- Bệnh gây tỷ lệ chết cao trong đàn cá nuôi, đặc biệt ở cá nhỏ, do đó khi thấy có hiện tượng cá rô phi nuôi chết nhiều, không rõ nguyên nhân thì có thể nghi đây là bệnh do vi rút TiLV gây ra.

- Cá mắc bệnh có biểu hiện chán ăn, màu sắc cơ thể biến đổi (sẫm màu); thay đổi tập tính bơi lội (như tập trung ở trên bề mặt, bơi lờ đờ), ngừng kéo đàn, hôn mê trước khi chết.

- Các dấu hiệu bên ngoài có thể có, gồm: Hiện tượng xung huyết, xuất huyết não; ăn mòn và lở loét từ dạng điểm đến mảng trên da; mang tái nhợt; mắt bị teo lại hoặc lồi ra, có hiện tượng đục thủy tinh thể; xoang bụng và hậu môn phình to; vẩy dựng lên, có thể bong tróc; đuôi bị ăn mòn.

2. Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh:

- Hiện nay, chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh này, vì vậy sau khi nghi ngờ hoặc phát hiện bệnh do TiLV gây ra trên cá Rô phi cần áp dụng các biện pháp:

-  Đối với vùng nuôi cá rô phi tập trung, người nuôi cần làm tốt công tác cải tạo và vệ sinh ao nuôi, sử dụng vôi bột, viên sủi, chế phẩm sinh học… để xử lý nước ao, cần bổ sung vitamin C trong khẩu phần ăn cho cá. Ở những ao nuôi cá với mật độ trên 2 con/m2 cần bổ sung thêm nước mới, bố trí máy tạo ô xy hòa tan cho cá.

- Nếu có hiện tượng cá Rô phi chết bất thường phải báo ngay cho cơ quan chuyên môn để triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch.

- Tuyệt đối không vận chuyển cá Rô phi sống từ các ao nuôi đã bị bệnh sang các ao/vùng nuôi không bị bệnh để hạn chế dịch bệnh lây lan.

- Đối với cá bị bệnh không sử dụng kháng sinh cấm để chữa bệnh, xử lý thủy sản bị chết do bệnh, nước ao nuôi bị bệnh chưa qua xử lý theo quy định để không lân lan thành dịch và gây ô nhiễm môi trường.

(Nguồn: Sở NN&PTNN Bắc Giang)