Cách phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây lạc?
16/09/22 10:08AM

a. Sâu hại lạc

* Sâu xám:

- Triệu chứng: Phát triển mạnh ở thời tiết ẩm cao, lạnh, xuất hiện ở giai đoạn cây con và gây hại nặng nhất ở vùng đất thịt nhẹ, đất cát.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Vệ sinh đồng ruộng kĩ, đảm bảo tiêu diệt trứng và nhộng.

+ Bắt sâu thủ công vào sáng sớm hoặc chiều tối.

+ Dùng bẫy bả chua ngọt.

+ Mật độ sâu hại cao sử dụng thuốc trừ sâu như: Padan 95SP; Regent 800WP… Có thể dùng thuốc đơn: Basudin 50EC; Shecpain 36EC; Gottoc 250EC hoặc phối hợp hai loại thuốc khác nhau: Diptere 80WP + Karate 2,5EC; Sevin 40% + Sherpa 25EC; Ganoi 95SP + Abamectin 36EC, Regent 800WG + Sokupi 0,36AS… Phun vào chiều tối, nên cho thêm 5 giọt nước rửa chén vào mỗi bình 8 - 12 lít để tăng khả năng bám thuốc vào cơ thể sâu, sâu chết nhanh, nhiều hơn. Dùng luân phiên các thuốc có hoạt chất Emamectin, Lamda-Cypermethrin với hỗn hợp Chlorantraniliprole + Abamectin.

* Sâu xanh da láng:

- Triệu chứng: thường gây hại mạnh vào mùa khô, tháng ít mưa hoặc ruộng thiếu nước. Chúng cắn thủng lá khiến lá bị héo rũ.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Sâu thường bị tiêu diệt bởi các loài thiên địch của sâu hại như ong, ruồi ký sinh. Do vậy, bà con hạn chế dùng thuốc trừ sâu hóa học để các loài thiên địch phát triển và tiêu diệt sâu xanh da láng.

+ Sử dụng các chế phẩm nấm (như nấm lục cương, nấm bạch cương); BT và phun vào buổi chiều mát.

+ Phun thuốc trừ sâu hóa học vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Khi điều tra sâu thấy sâu non mới nở hoặc còn nhỏ sống tập trung là thời điểm phun thuốc tốt nhất. Loài sâu này thường kháng thuốc mạnh khi trưởng thành, vì vậy cần sử dụng luân phiên các loại thuốc: Atabron 5EC; Cascade 5EC + Mimic 20F; Dipel 3.2WP + Cascade 5EC; Mimic 20F + SeNPV; Dipel 3.2 WP + SeNPV.

* Sâu khoang:

- Triệu chứng: chúng phát triển mạnh với số lượng lớn, ăn lá cây, làm cây xơ xác, thậm chí gặm vỏ quả và hoạt động mạnh vào sáng sớm, ban đêm.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Bảo tồn loài thiên địch để tiêu diệt sâu khoang tự nhiên.

+ Dùng bả bẫy chua ngọt để bắt bướm.

+ Dùng thuốc sinh học để tiêu diệt.

+ Khi mật độ cao dùng thuốc trừ sâu Owfatox 40EC hoặc Fastac theo liều lượng trên bao bì.

+ Ngoài ra cây lạc thường bị các loại sâu hại khác như sâu cuốn lá, sâu xám, sâu chích hút (bọ trĩ, rệp, rầy xanh) cắn phá. Bà con sử dụng các loại thuốc phòng trừ như: thuốc trừ sâu sinh học NPVBt để phòng trừ sâu xanh, sâu khoang, sâu cuốn lá. Một số thuốc hoá học thông dụng như: Sumidicin, Alphan 5EC, Basudin, Supracide 40 NP, Owfatox …

b. Bệnh hại cây lạc:

* Bệnh héo cây con:

- Triệu chứng: cây lạc bị thối đen ở cổ rễ, thối trắng ở thân khiến cây con chết rạp. Bệnh thường bùng phát mạnh trong khoảng từ 5-10 ngày sau khi gieo.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Xử lý hạt giống bằng một trong các loại thuốc: Vicarben 50 WP, Rovral 750 WP, Thiram với liều lượng 3gam/1 kg hạt giống.

+ Trộn Trycoderma với phân hữu cơ trong quá trình bón lót.

+ Sử dụng một trong các loại thuốc: Amistar 250SC, Validacin, Bonanza hay hỗn hợp các hoạt chất (Mandipropamid + Chlorothalonil)… phun 7 - 10 ngày/lần theo hướng dẫn trên bao bì.

* Bệnh hại lá:

- Triệu chứng: các bệnh đốm nâu, đốm đen và bệnh gỉ sắt là các bệnh phổ biến hại lá cây lạc.

- Biện pháp phòng trừ: Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Daconil; Anvil; Bayleton 0,1 - 0,3% hoặc zinhep 0,2%; phun lần 1 sau mọc 40 - 45 ngày, lần 2 cách lần một 15 - 20 ngày.

* Bệnh héo xanh vi khuẩn:

- Triệu chứng: lá non bị héo tái sau đó toàn bộ cây héo rũ và cuối cùng là khô héo. Mặc dù héo nhưng lá vẫn có màu xanh. Nếu cắt rễ và nhúng mặt cắt vào cốc nước thủy tinh sẽ thấy dịch vi khuẩn màu trắng sữa lan ra nước và làm đục nước.

- Biện pháp phòng trừ: sử dụng thuốc hóa học không đem lại hiệu quả cao. Cách tốt nhất là luân canh cây trồng, vệ sinh sạch sẽ tàn dư của vụ trước và sử dụng giống kháng bệnh.

* Bệnh mốc vàng:

- Là loại nấm bệnh nhiễm vào lạc từ lúc trồng trên đồng ruộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người sử dụng.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Gieo trồng đúng vụ.

+ Chăm sóc và trồng lạc đúng kĩ thuật.

+ Đảm bảo đủ nước tưới.

+ Phơi lạc sao cho độ ẩm nhỏ hơn 10% và bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

(Nguồn: Kythuatnuoitrong.edu.vn)