Cây bắp cải bị sâu tơ phá hoại thì xử lý như thế nào?
14/05/20 11:15AM

Trong phòng trừ sâu bệnh, trước hết là phải áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM. Có 2 nguyên tắc quan trọng nhất là:

+ Thư nhất là Trồng cây khỏe: phải đảm bảo gieo trồng đúng thời vụ, đúng mật độ, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, giúp cho cây sinh trưởng khỏe chống chịu tốt hơn với sâu bệnh.

+ Thứ 2 là phải bảo vệ thiên địch, chúng giúp con người tiêu diệt sâu hại, đó là các loài côn trùng như: bọ rùa đỏ, kiến 3 khoang, ong mắt đỏ, nhện ăn thịt… Muốn bảo vệ được thiên địch thì chúng ta không được phun thuốc trừ sâu bừa bãi. Chỉ phun thuốc khi sâu bệnh xuất hiện với mật độ cao trên ngưỡng kinh tế.

Đối với sâu tơ:

- Biện pháp phòng trừ: tiêu hủy tàn dư cây trồng sau thu hoạch. Trồng xen một số cây tiết ra mùi khó chịu để ngăn ngừa bướm sâu tơ như hành, tỏi. Tăng cường tưới phun mưa lúc chiều mát là biện pháp hữu hiệu hạn chế sâu tơ bắt cặp và đẻ trứng. Bảo vệ các loài thiên địch của sâu tơ như ong ký sinh, bọ đuôi kìm…

Kiểm tra đồng ruộng và chỉ phun thuốc khi mật độ sâu non trung bình 2 con/cây ở giai đoạn 2- 3 tuần sau trồng, 3 con trở lên ở giai đoạn 4-7 tuần sau trồng. Không phun thuốc khi sâu chưa xuất hiện ở ngưỡng trên.

Sâu tơ có khả năng kháng thuốc cao nên cần sử dụng luân phiên một số loại thuốc để tránh sâu bị nhờn thuốc.

+ Các loại thuốc sinh học gốc BT như: Bacillus thuringiensis var. (Delfin WG (32BIU), Biocin 16 WP);

+ Pegasus 500SC; Sec Saigon 5ME - 10M; Angun 5WDG;

+ Nhóm Abamectin (Abatin 1.8 EC, 5.4 EC, Agromectin 1.8 EC, Alfatin 1.8 EC, Shertin 1.8EC, 3.6EC, 5.0EC, …);

+ Abamectin + Emamectin benzoate (TC-Năm Sao 20EC, 35EC);

+ Abamectin + Matrine (Miktox 2.0 EC);

(TTKNQG)

(Nguồn: khuyennongvn.gov.vn)