Cây chôm chôm bị một loại sâu đục vào bên trong trái, làm cho trái non bị khô và rụng, trái đã chín thì bị hư, khó bán. Xin được nói rõ thêm về loại sâu này và cách phòng trị chúng?
05/01/14 03:21PM

Có nhiều loại sâu gây hại cho trái chôm chôm, nhưng theo điều tra của các nhà chuyên môn thì gây hại quan trọng nhất là loài Conogethes punctiferalis, thuộc họ ngài sáng (Pyralidae), bộ cánh phấn (Lepidoptera). Ngoài chôm chôm chúng còn gây hại trên nhiều loại cây khác như nhãn, mãng cầu xiêm, sầu riêng, ổi... làm cho việc phòng trị chúng đôi khi cũng gặp không ít khó khăn do câu ký chủ của chúng khá nhiều.

   Con trưởng thành của loài sâu này là một loại bướm, có chiều dài thân khoảng 10-12mm, sải cánh rộng khoảng 22-25mm, màu vàng, trên cánh có nhiều chấm nhỏ màu đen, hoạt động chủ yếu vào ban đêm, còn ban ngày ẩn lấp trong tán lá.

   Trứng có hình bầu dục, kích thước tương đối lớn (dài khoảng 2-2,5mm), được đẻ ở gần cuống trái hoặc nơi tiếp giáp giữa các trái với nhau. Lúc mới đẻ trứng có màu trắng sau chuyển dần sang màu vàng nhạt Sâu non đầu màu nâu, thân màu lông nhỏ cứng. Sau khi nở sâu cạp ăn vỏ trái, sau đó đục vỏ trái chui vào bên trong để gây hại, từ những lỗ đục này dịch trái sẽ tiết ra trở thành môi trường dinh dưỡng thuận lợi cho các loại nâVn mốc phát triển, gây thối trái.

   Sâu có thể gây hại từ khi trái còn non cho đến khi trái chín, nhưng nặng nhất thường là khi trái bắt đầu có cơm. Khi trái còn non sâu thường nhả tơ kết dính vài trái lại với nhau rồi cắn phá bên trong trái, chúng ăn rỗng cả phần hột của trái non, làm trái bị biến dạng, khô và rụng. Trường hợp sâu tấn công trê khi trái đã lớn thì làm trái bị hư, ăn không ngon.

   Khi đẫy sức sâu dài khoảng 20-22mm và làm kén hóa nhộng tại nơi tiếp xúc giữa các trái với nhau hoặc gần cuống trái.

   Sâu gây hại khá phổ biến ở các tỉnh phía Nam, có những nơi hầu hết các vườn chôm chôm đều bị sâu gây hại, gây thất thu rất lớn cho nhà vườn.

   Để phòng trị sâu các bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:

-         Sau khi thu hoạch trái nên làm vệ sinh vườn tược, xén tỉa những cành bị sâu bệnh, những cành già không cho trái nằm khuất trong tán cây... cho vườn luôn thông thoáng, để hạn chế nơi trú ngụ và để dễ phát hiện con trưởng thành, từ đó có biện pháp đối phó kịp thời.

-         Nếu có điều kiện sau khi tượng trái nên dùng bao nilon, bao giấy (có đục lỗ) hoặc bao chuyên dùng để bao chùm trái lại, ngoài sâu đục trái, cách làm này còn có tác dụng hạn chế một số loại sâu bệnh thường gây hại cho trái như các loài rầy rệp, bệnh thối trái.

-         Nếu có điều kiện nên thu gom những trái bị sâu gây hại đem tiêu hủy để diệt sâu bên trong, hạn chế sâu di chuyển sang phá trái khác và hạn chế sâu của các đợt sau.

-         Với những vườn có khoảng 10% số trái bị hại hoặc những vườn thường bị sâu gây hại nặng hàng năm, thì sau khi chôm chôm vừa tượng trái nên phun xịt một đợt bằng một trong những loại thuốc trừ sâu như: Bi 58 40EC hoặc 50EC; Bian 40EC hoặc 50EC; Bitox 40EC hoặc 50EC; Sherpa 10EC hoặc 25EC; Visher 25EC; Cyperran 5EC hoặc 10EC; Padan 95SP; Ofatox 50EC; Selecron 500ND... (về cách sử dụng các bạn có thể tham khảo hướng dẫn trên nhãn thuốc). Sau khi phun khoảng 10-15 ngày nếu còn sâu thì phun tiếp lần 2 hoặc một vài lần nữa nếu thấy cần, nhưng nhớ phải tuyệt đối đảm bảo thời gian cách ly của thuốc.

(Nguồn: Hỏi đáp về phòng trừ dịch hại cây trồng. Quyển 5: Cây ăn trái / Nguyễn Danh Vàn.- Tp.HCM: Tổng hợp, 2008. - 154 tr.; 20,5cm.- Đăng ký cá biệt: VB20103123)