Em muốn hỏi các loại sâu bệnh trên chuối nuôi cấy mô trong giai đoạn vườn ươm?
20/11/20 03:06PM

- Chuối cấy mô được sản xuất trong môi trường nhân tạo, khi đưa ra vườn ươm để tập làm quen với điều kiện bên ngoài.

- Vườn ươm cũng là môi trường thuận lợi để các loài sâu bệnh tập trung tấn công. Nhưng do diện tích nhỏ nên cũng dễ quản lý, nên sản xuất trong nhà lưới để ngăn chận côn trùng tấn công.

- Đối với bệnh, phần lớn bệnh giai đoạn vườn ươm đều có nguồn gốc từ đất, nên phải sử dụng các vi sinh vật đối kháng để phòng trừ.

Những sâu bệnh hại trên chuối ở giai đoạn vườn ươm là:

1. Rầy mềm Pentalonia nigronervosa: ngoài chuối, nó còn tấn công gừng, môn nước. Rầy mềm gây hại bằng chích hút nhựa làm cây chậm lớn. Nó có khả năng truyền bệnh virus và mật do nó tiết ra làm nấm muội đen phát triển. Khi bị truyền bệnh virus, cây chuối có triệu chứng lá hẹp với những đường sọc màu xanh đậm trên lá và cuống lá.

2. Bệnh đốm lá hay bệnh cháy lá: Do nấm Sigatoka vàng (Mycosphaerella musicola) và Sigtoka đen (Mycosphaerella fijiensis), bệnh gây hại trên lá tạo ra những hình bầu dục có màu nâu với viền vàng rất rõ (Sigatoka vàng). Đối với Sigatoka đen những đốm bệnh có màu sậm hơn và xuất hiện ở mặt dưới của lá. Bệnh phát triển mạnh vào những tháng mùa mưa và mùa có sương, ẩm ướt, bệnh nặng ảnh hưởng tới năng suất cây.

- Biện pháp phòng trị: Vệ sinh vườn sạch sẽ, cắt tỉa lá già và lá bị bệnh đem đốt, thoát nước tốt cho vườn chuối trong mùa mưa. Phun các thuốc gốc đồng hay Benomyl, macozeb, Zineb, Kocide, Tilt, Score, Anvil... phun từ 2-4 lần trong mùa mưa.

3. Bệnh khảm lá (CMV: Cucumber Mosai Vius): Bệnh do virus gây hại. Cây bị bệnh lá có sọc vàng từ ngoài bìa lá vào cuống lá, cây phát triển kém, khi phát hiện cây bị bệnh cần phải đào bỏ và xử lý ngay để tránh lây nhiễm.

4. Bệnh sọc lá chuối (CSV): Bệnh do virus gây hại. Các bệnh do virus gây hại đều có khả năng truyền từ cây này sang cây khác, bệnh lây lan trực tiếp qua con giống và trung gian truyền bệnh như rầy mềm sống ở các bẹ lá chuối, tuyến trùng trong đất truyền virus từ cây này sang cây khác hoặc trong quá trình đánh tỉa con chuối, cắt lá chuối...

Phòng trừ: Trong trường hợp vườn chuối đã bị bệnh và đang có chiều hướng lây lan rộng, cần tiến hành ngay một số biện pháp sau:

- Vệ sinh vườn sạch sẽ tạo độ thông thoáng cho vườn chuối, cắt bỏ và thu gom các lá già để tiêu hủy, không tủ vào gốc.

- Đào bỏ các cây bị bệnh nặng, nhặt hết cả củ để tiêu huỷ đồng thời phun trừ rệp bằng các loại thuốc Sherpa, Pyrinex, Fenbis, Sago super. Phun ướt đều lá, thân và gốc cây chuối.

- Không sử dụng cây con ở vườn đã bị bệnh để làm giống.

- Nếu vườn bị bệnh nặng nên phá bỏ và trồng cây khác trong khoảng 1 năm sau mới trồng lại chuối được.

5. Bệnh héo rũ Panama: Bệnh được phát hiện đầu tiên trên chuối ở Panama và các nước Trung Mỹ. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn tăng trưởng nào của cây. Nấm bệnh trong đất xâm nhập qua rễ vào củ rồi lan lên thân phá hủy mạch dẫn làm lá vàng héo, cuống rũ xuống.

Triệu chứng:

- Cây bị bệnh lá vàng héo và rũ xuống. Các lá già bên dưới vàng trước rồi lan dần lên các lá non bên trên và lan từ bìa lá vào hướng gân lá. Cuối cùng lá bệnh bị héo, cuống gãy và lá treo trên thân. Đôi khi cuống lá cũng bị gãy ở phần giữa phiến lá.

- Trên cây các lá già bị héo khô quanh thân, chỉ còn một số lá đọt còn xanh và mọc thẳng, các lá đọt này có màu xanh nhạt hay hơi vàng hoặc bị méo mó, nhăn nheo và cuối cùng bị héo úa. Cây bệnh chết nhưng thân không ngã đổ, các bẹ ngoài bị nứt dọc, các chồi con vẫn phát triển chung quanh nhưng sau đó cũng bị héo rụi. Cắt ngang thân sẽ thấy các bó mạch bị đổi màu nâu vàng. Cắt ngang củ chuối có các đốm vàng hoặc đỏ, nâu và bốc mùi hôi. Cây bị bệnh muộn và nhẹ có thể trổ buồng nhưng buồng nhỏ, nếu bị nặng có thể chết cả cây, cả bụi.

- Nấm gây bệnh có thể tồn tại trong đất và trong tàn dư của cây bị bệnh. Bệnh lây lan chủ yếu qua cây con làm giống, đất có mang sẵn mầm bệnh, qua nước tưới, dụng cụ làm đất có mang sẵn mầm bệnh

- Bệnh xâm nhập vào trong cây qua chóp rễ con hay qua các vết thương cơ giới, qua vết chích hút của tuyến trùng hoặc các nguyên nhân khác gây ra ở rễ. Vào mùa mưa bệnh thường phát sinh, phát triển và gây hại nhiều hơn trong mùa khô.

- Bệnh thường gây hại nặng hơn ở vườn đất trũng, ẩm thấp; vườn bón nhiều phân (nhất là phân đạm) hay những vườn đất bị nhiễm phèn.

- Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh héo rũ Panama gây ra, bà con nông dân cần thực hiện biện pháp phòng trừ tổng hợp sau:

+ Lên liếp cao để thoát nước tốt khi có mưa, tạo cho vườn luôn khô ráo.

+ Không dùng chuối con ở các vườn bị bệnh làm giống.

+ Bón vôi vào các hố khi trồng.

+ Xử lý gốc chuối con bằng cách nhúng gốc vào dung dịch gốc đồng: Funguran-OH 50WP, COC 85WP, Kocide 61,4 DF hoặc các thuốc gốc Benomyl như: Plant 50WP, Viben 50BHN…

+ Bón cân đối giữa đạm, lân và kali, tăng cường bón thêm phân chuồng đã được hoai mục trộn với nấm Trichoderma spp., bón thêm vôi bột để nâng cao độ pH cho những vườn đất bị chua phèn.

+ Những vườn hay bị bệnh, những vườn thường bị ẩm ướt không nên trồng những giống dễ bị nhiễm bệnh như giống chuối xiêm.

+ Trong quá trình chăm sóc, hạn chế làm đứt rễ chuối. Rãi thuốc hạt vài tháng một lần: Marshal 5G, Mocap 10G, Vibasu 10H… vào xung quanh gốc chuối để diệt tuyến trùng, hạn chế vết thương cơ giới do tuyến trùng gây ra, hạn chế nấm bệnh xâm nhập vào trong cây qua rễ.

+ Khi phát hiện cây bệnh nên đào bỏ các gốc bệnh và rãi vôi khử đất.

+ Phun thuốc ở các vườn chuối con bằng các loại thuốc như: Bendazol 50WP, Plant 50WP, Viben 50BHN…kết hợp với việc tưới nấm Trichoderma spp hoặc bón phân hữu cơ + nấm Trichoderma spp (Promot Plus WP, TricôĐHCT-Phytoph 108 bào tử/ g WP, Vi - ĐK 109 bào tử/g).

+ Vườn chuối xiêm bị bệnh nặng nên thay bằng các giống chuối khác: già cui, chuối cau, chuối cơm.

(Nguồn: bannhanong.vn)