Hướng dẫn quy trình xử lý đất trồng dưa lưới.
24/06/22 08:59AM

1. Thời gian xử lý:

10-15 ngày tùy theo tình hình thời tiết và mùa vụ canh tác (mùa nắng thời gian xử lý ngắn, mùa mưa thời gian xử lý dài)

2. Các bước xử lý:

* Thu dọn tàn dư cây dưa vụ trước:

 - Ngay sau khi thu hoạch quả vụ trước cần tiến hành nhổ bỏ toàn bộ cây dưa (nhổ hết toàn bộ cả phần thân, gốc và rễ cây). Công việc này cần tiến hành làm sớm ngay sau khi thu hoạch quả xong (khi cây dưa vẫn còn tươi). Lưu ý, không để cây dưa bị khô rồi mới thu dọn (vì lúc này cây sẽ bị dính vào dây treo cây gỡ ra rất lâu và tốn công).

- Sau khi nhổ cây xong cần vận chuyển toàn bộ thân lá cây ra khỏi vườn, nhổ sạch cỏ dại và tàn dư cây dưa. Quét dọn vệ sinh vườn sạch sẽ (toàn bộ tàn dư cây dưa và cỏ dại cần được vận chuyển ra bãi rác xa vườn dưa để khô và đốt tiêu hủy nhằm tiêu diệt các mầm mống sâu bệnh hại còn tồn dư trên cây).

- Toàn bộ dây treo cây được buộc thành từng bó cẩn thận tránh tình trạng bị rối dây, gây ảnh hưởng đến việc treo cây vụ sau.

- Thu dọn và cất toàn bộ Hệ thống tưới (HTT), màng phủ Nông nghiệp để chuẩn bị cho việc xử lý đất. Lưu ý, khi tháo HTT cần dùng nilon (hoặc băng keo) bịt chặt đầu các khởi thủy để hạn chế đất, cát xâm nhập vào gây tắc HTT sau này.

* Xử lý đất:

- Sau khi thu dọn xong toàn bộ tàn dư và HTT tiến hành cày, phay toàn bộ diện tích đất đã trồng dưa vụ trước (cày phay sâu 15-20cm, đây là tầng canh tác mà rễ dưa của vụ trước hoạt động)

- Sau khi cày, phay xong tiến hành phơi ải đất 7-10 ngày để diệt mầm mống sâu bệnh hại còn sót lại trên đất

- Sau khi phơi đất xong tiến hành dùng vôi bột (ưu tiên sử dụng vôi nung từ đá vôi để có hàm lượng canxi cao). Lượng vôi bột cần sử dụng cho 1000m² là 50-70kg rắc đều lên toàn bộ bề mặt đất. Nếu vụ trước bị sâu bệnh gây hại nặng thì lượng vôi bột dùng có thể tăng lên 70-100kg/1000m².

- Sau khi bón vôi bột xong, tiến hành phun thuốc BVTV để khử trùng toàn bộ diện tích đất và xung quanh nhà màng trồng cây (sử dụng cặp Nano Bạc Đồng và Nano Đồng Oxyclorua Của Công ty Cổ phần HLC Hà Nội để phun lên bề mặt đất và phun lên cả xung quanh nhà).

- Sau khi bón vôi và phun rửa vườn xong tiếp tục phơi vườn thêm 5-7 ngày nữa rồi mới tiến hành cày phay lại đất để chuẩn bị trồng vụ mới.

- Sau khi xử lý đất xong tiến hành bón bổ sung thêm phân chuồng hoai mục hoặc phân trùn quế hoai mục và bón lót lân, NPK (lượng phân chuồng hoai mục: 1,2-1,5 tấn/1000m², phân trùn quế 500kg, phân lân 50 kg, phân NPK: 25kg trên 1000m² trước khi trồng để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây trồng sau này. Dùng máy cày phay đảo đều đất với phân bón lót.

* Chuẩn bị trồng lại vụ mới:

- Sau khi đảo đều phân bón lót với đất tiến hành lên luống theo khoảng cách mật độ đã xác định rồi tiến hành phủ bạt nilon (dùng màng phủ nông nghiệp phủ mặt bạc lên trên, mặt đen xuống dưới) để hạn chế cỏ dại sau này.

- Sau khi phủ bạt xong tiến hành lắp đặt lại HTT, tiến hành xúc rửa đường ống hệ thống tưới theo phương pháp xả đầu cuối (mở toàn bộ cuối đường ống ra tiến hành bơm nước vào xả để loại bỏ cặn bùn đất và phân bón bám trong đường ống). Nếu xúc rửa bằng hóa chất cần lưu ý bỏ toàn bộ que cắm ra bên ngoài trước khi xúc rửa để hạn chế ảnh hưởng của hóa chất đến cây dưa sau này (công việc này cần làm xong trước khi trồng 2-3 ngày).

- Sau khi xúc rửa xong HTT tiến hành bơm nước và chạy thử HTT để kiểm tra toàn bộ HTT trước khi trồng xem có chỗ nào bị tắc nữa không để có giải pháp khắc phục sớm.

- Trước khi trồng 2 ngày cần tiến hành chạy nước trắng để đảm bảo đất đủ độ ẩm

- Trước khi trồng vụ mới 1 ngày cần tiến hành chạy Trichoderma Bacilus + EM Root-HLC + HLC16 để bổ sung các vi sinh vật có lợi cũng như dinh dưỡng cho đất trước khi trồng cây. (Lưu ý, việc làm này chỉ áp dụng đối với trồng mới bằng cây con đã gieo ươm đạt tiêu chuẩn, không áp dụng cho việc gieo thẳng hạt vào đất).

- Sau khi hoàn thành xong tất cả các hạng mục trên tiến hành trồng cây (có thể trồng trực tiếp hạt giống đã ngâm ủ nứt nanh vào đất, hoặc trồng cây con đã gieo ươm). Nếu trồng trực tiếp bằng hạt đã ngâm ủ nứt nanh thì sau khi tra hạt xong tiến hành tưới nước đủ ẩm để cho hạt nảy mầm (ngày tưới 1-2 lần tùy theo độ ẩm đất). Để phòng trừ kiến gây hại hạt giống cần thể sử dụng thuốc Regent 800wp phun vào vị trí tra hạt để phòng trừ kiến, hoặc cũ có thể sử dụng một số thuốc dạng hạt rắc vào khi làm đất trước khi trồng.

(Nguồn: hlc.net.vn)