Kỹ thuật canh tác mì xen đậu.
27/06/22 10:00AM

Cây mì có thể được trồng xen với cây đậu phụng, đậu đen, đậu xanh... Cây mì dùng làm giống phải khoẻ mạnh, nhiều củ, không nhiễm sâu bệnh, nhặt mắt, không bị trầy sước. Hom giống mì lấy đoạn giữa của thân cây, chiều dài hom từ 10-12cm, đảm bảo có 3-4 mắt mầm.

​1. Thời vụ:

Vụ Xuân trồng từ tháng 12 đến tháng 1, vụ Thu trồng vào cuối tháng 7 đến tháng 9 khi bắt đầu có mưa. Riêng với đất chủ động tưới thì có thể trồng vụ Xuân hè (từ tháng 2 đến tháng 3).

2. Giống:

* Đặc điểm một số giống mì:

- Giống KM 94: Thời gian sinh trưởng 10-11 tháng, nhiễm bệnh cháy lá ở mức nhẹ. Năng suất củ tươi đạt 35-40 tấn, hàm lượng tinh bột từ 29-30%.

- Giống mì KM 140: Đặc điểm là thân thẳng, đọt xanh, củ ngắn màu trắng vàng. Thời gian sinh trưởng 9-10 tháng. Năng suất cao từ 35-40 tấn/ha, hàm lượng tinh bột từ 26-27%.

- Giống mì KM 98-1: Thân thẳng đọt lá tím, nhặt mắt, không phân cành. Thời gian sinh trưởng từ 8-10 tháng. Năng suất củ tươi 35-50 tấn/ha, hàm lượng tinh bột từ 27-28 %. Củ có thể ăn tươi hoặc chế biến công nghiệp.

* Chuẩn bị giống:

- Giống mì: Tuỳ theo chân đất chọn giống mì trồng cho thích hợp:

+ Chân đất có quỹ thời gian dài, chọn những giống dài ngày: KM94, SM937-26 ...

+ Chân đất có quỹ thời gian ngắn, chọn những giống ngắn ngày: KM140, KM98-1, KM98-5 ...

- Cây mì dùng làm giống phải khoẻ mạnh, nhiều củ, không nhiễm sâu bệnh, nhặt mắt, không bị trầy sước. Hom giống mì lấy đoạn giữa của thân cây, chiều dài hom từ 10-12 cm, đảm bảo có 3-4 mắt mầm.

- Lượng giống trồng cho 1 sào là 900 hom. Khi chặt hom tránh để dập nát.

* Giống đậu trồng xen:

Có thể trồng đậu phụng hay đậu xanh, đậu đen...

- Đậu phụng chỉ sử dụng các giống dài ngày (HL25, L23, L14) khi đất đủ nước tưới, còn trên chân đất thường thiếu nước cuối vụ thì sử dụng giống đậu sẽ địa phương hoặc đậu phụng Gia Lai.

- Lượng đậu giống trồng xen (tính cho 1 sào): Đậu phụng: 6-7 kg quả. Đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ: 1 kg hạt giống.

- Kiểm tra tỷ lệ mọc trước khi gieo trồng 7-10 ngày. Chọn hạt mẩy, sạch sâu bệnh để gieo.

3. Làm đất, rạch hàng và bón lót:

* Làm đất:

- Đất phải được cày hoặc cuốc sâu 20-25 cm để tăng độ tơi xốp và khả năng giữ ẩm của đất. Nếu đất có nhiều đá, gốc cây không cày được thì dùng cuốc đào lỗ để trồng. Bón vôi 10 kg/sào khi làm đất.

- Những vùng đất có sâu xám, sùng gây hại cần sử dụng thuốc Kayazinon 10G, Padan 4H xử lý khi làm đất.

* Rạch hàng:

Đối với đất bằng rạch hàng theo hướng Đông-Tây, với đất dốc rạch hàng hoặc bấu lỗ theo đường đồng mức, hàng cách hàng 0,9m.

* Bón phân lót:

- Lượng phân bón lót (tính cho 1 sào):

+ Cây mì: 300-400 kg phân chuồng + 20 kg lân + 2 kg Urê

+ Cây đậu trồng xen: 200-300 kg phân chuồng + 10 kg lân + 1 kg Urê

- Cách bón: Bón phân vào đáy rãnh hoặc lỗ, xong lấp 1 lớp đất dày 5-7 cm

4. Gieo trồng: Gieo đậu cùng lúc với trồng mỳ, cách trồng như sau:

* Đối với cây mì:

- Đất đủ ẩm, mùa mưa trồng hom nằm xiên góc 30-45 độ; đất không đủ ẩm, mùa hè nên trồng hom nằm.

- Trồng hom cách hom 0,6m, sau khi đặt hom lấp một lớp đất dày 2-3 cm để tạo điều kiện thuận lợi cho mầm sinh trưởng.

* Đối với cây đậu trồng xen:

- Đậu phụng: Giữa 2 hàng mì trồng 2 hàng đậu phụng, hạt cách hạt 10 cm, hàng cách hàng 25 cm.

- Đậu đen, đậu xanh hoặc đậu đỏ: Giữa 2 hàng mì trồng 1 hàng đậu, mỗi hốc 1-2 hạt, hốc cách hốc 15 cm.

5. Chăm sóc:

* Chăm sóc cây đậu trồng xen:

- Sau gieo 4-5 ngày (lúc đậu mọc đều) kiểm tra và dặm những chỗ đậu không mọc (dùng hạt đã ủ nứt nanh).

- Sau trồng 12-15 ngày, tiến hành bón phân thúc lần 1 (2-2,5 kg Urê + 1,5 kg Kali/sào) và xới xáo cho cây.

- Sau trồng 25-30 ngày, bón phân thúc lần 2 (1,5 kg Kali/sào), kết hợp xới xáo và vun gốc.

- Với đậu phụng cần bón thúc vôi (5 kg/sào) khi héo lứa hoa rộ, bón vào gốc.

- Cần chú ý phòng bệnh lở cổ rễ trong thời kỳ cây con. Sử dụng thuốc Validacin, Anvil ... để phòng trị.

* Chăm sóc mì:

- Sau 15-20 ngày, trồng dặm lại những hom không nẩy mầm hoặc hom mọc yếu.

- Sau trồng 30-40 ngày, tiến hành bón phân thúc lần 1 (4 kg Urê + 3 kg Kali/sào) và xới xáo cho cây.

- Sau trồng 80-90 ngày, bón phân thúc lần 2 (4 kg Urê + 3 kg Kali/sào), kết hợp dùng thân, lá đậu đã khô tủ lên hàng mì và vun cao gốc.

Chú ý: Bón phân thúc khi thời tiết có mưa, đất đủ ẩm; phân Urê và Kali bón cách gốc 10 cm (đối với đậu) và từ 15-20 cm (đối với mì). Tránh bón phân vào lúc trời nắng gắt và mưa lớn.

- Thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, sớm phát hiện bệnh hại (nhện đỏ, bệnh chổi rồng ...) và can thiệp đúng cách để phòng trừ bệnh hiệu quả.

6. Thu hoạch:

* Đối với cây đậu:

- Đậu đỏ, đậu xanh và đậu đen không chín tập trung, vì vậy khi đậu có trái chín tiến hành thu hoạch theo từng đợt.    

- Với đậu phụng khi có 80% số quả già (ở mặt trong lớp vỏ quả có màu cánh gián) thì thu hoạch.

- Thu xong nên phơi nắng ngay, khi hạt khô dòn mới đưa vào bảo quản trong chum hoặc bao nilon.

* Đối với mì:

- Căn cứ vào thời gian sinh trưởng của giống, kết hợp với khi thấy cây rụng lá chỉ còn 5-9 lá đọt và lá chuyển từ màu xanh sang vàng nhạt thì thu hoạch.

- Nếu bán tươi nên tiêu thụ không quá 48 giờ kể từ sau khi nhổ, để lâu hàm lượng tinh bột trong củ giảm và gây hư thối.

(Nguồn: snn.quangngai.gov.vn)