Ở vùng Tây Nguyên thường là đất đỏ bazan thì độ pH của đất là bao nhiêu, nếu độ pH trong đất cao hoặc thấp nên dùng những thành phần hoặc những loại phân hóa học tốt hơn hay dùng phân bón sinh học. Làm sao vừa để cải thiện độ pH vừa chuyển hóa, trung hòa chất dinh dưỡng cho đất. Nên dùng những loại phân nào để cải tạo đất đã trồng cà phê lâu năm xin tư vấn giúp?
07/01/22 09:34AM

Trước hết đề nghị bạn mang mẫu đất đến Sở Nông nghiệp & PTNT hoặc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh nhờ phân tích. Do địa hình đất đỏ của Bazan rất phức tạp, chia ra nhiều tiểu vùng khác nhau. Đất bị thoái hóa được chia ra như sau:

- Thoái hóa vật lý: Quá trình dẫm đạp của con người để chăm sóc, thu hoạch chè/cà phê trong thời gian dài khiến bề mặt đất trở nên chặt cứng, chai lì, khả năng thấm nước kém đi. Tỷ lệ sét lớp đất mặt trung bình của các mẫu đất trồng chè/cà phê trong khu vực nghiên cứu là 26,3 - 39,20% và có thành phần cơ giới phổ biến là thịt trung bình, hàm lượng sét tăng dần theo chiều sâu phẫu diện... Quá trình khai thác đất canh tác chè/cà phê nhiều năm đã tạo điều kiện thúc đẩy quá trình rửa trôi các cấp hạt sét ở tầng đất mặt đều giảm mạnh. Các biểu hiện suy giảm về thành phần cơ giới, kết cấu đất trong hình thái phẫu diện là những biểu hiện rõ rệt của các dấu hiệu thoái hóa về tính chất vật lý.

- Thoái hóa hóa học: Số liệu kết quả phân tích một số mẫu đất trồng chè/cà phê đại diện tại khu vực nghiên cứu cho thấy đất có phản ứng chua đến rất chua, mặc dù đặc điểm của cây chè/cà phê là ưa chua, nhưng với độ pH thấp như trên cũng thể hiện phần nào đó mức độ suy thoái đất. Hàm lượng mùn tầng mặt khá do được bón phân thường xuyên nhưng giảm mạnh ở những tầng dưới, hàm lượng đạm, lân, kali tổng số tầng đất mặt khá đến giàu, kali dễ tiêu rất nghèo đến nghèo. Tình hình sử dụng phân bón cho cây chè/cà phê của nông dân trồng chè/cà phê không theo các quy trình kỹ thuật đã được ban hành; bón phân cho cây chè/cà phê chủ yếu theo kinh nghiệm. Lượng phân bón các loại hàng năm bón cho cây chè/cà phê chưa hợp lý và không cân đối, không hoặc rất ít sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, lượng bón phân hữu cơ quá thấp, bón quá dư thừa phân vô cơ, đặc biệt là lượng phân lân. Kỹ thuật bón phân không đảm bảo, bón rải trên mặt đất là chủ đạo. Việc sử dụng phân bón không cân đối không những gây ảnh hưởng xấu đến đất đai, làm kết cấu đất bị phá vỡ, giảm sút khả năng giữ nước, giữ phân, gia tăng dịch bệnh. Bón phân không hợp lý, chất hữu cơ trong đất nghèo thường làm cho cấu trúc đất bị thoái hóa, dung trọng đất tăng, giảm độ xốp làm đất trở nên chặt, rễ cây khó phát triển.

Để biết được pH đất bạn có thể mua máy đo pH và giấy quỳ hiện có trên thị. Tùy theo số pH mà bón vôi nhiều hay ít.

Ngoài ra để khắc phục suy thoái chất hữu cơ, bạn nên ủ phân hữu cơ bằng vỏ cà phê hoặc ủ phân chuồng.

 Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm thương mại phân hủy phân gia súc gia cầm trong hố thải. Trong môi trường nước là môi trường hiếm khí thì sẽ có nấm Trichoderma dòng chịu ngập, vi khuẩn Cellulomonas, Phanerochaete phân hủy các sợi cellulose trong phân. Để khử mùi hôi có vi khuẩn Lactobacillus spp. Hố phân sẽ thu hút nhiều ruồi nhặng thì sử dụng nấm xanh Mertarhizium diệt ruồi. Qui trình sử dụng các chế phẩm vi sinh được áp dụng thành công ở các trại chăn nuôi lớn. Bã phân từ hố hay hầm ủ biogas sẽ được phối trộn với các xác bả thực vật, ủ tiếp với nấm Trichoderma bón rất tốt cho cây trồng.

Nếu không có phân chuồng thì bạn có thể thay thế bằng phân hữu cơ. Nguồn nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ có thể tận dụng vỏ cà phê có rất nhiều ở Tây Nguyên để làm chất ủ.

(Nguồn: bannhanong.vn)