Quy trình sản suất và chăm sóc mạ khay?
22/09/22 10:18AM

1. Sản xuất mạ khay:

* Lựa chọn khay gieo mạ:

- Với trường hợp dùng mạ khay để cấy tay thì việc lựa chọn khay làm mạ không có gì phức tạp (mạ làm trên loại khay nào cũng có thể cấy được). Tuy nhiên với trường hợp làm mạ cho máy cấy thì việc lựa chọn khay để làm mạ rất quan trọng. Với mỗi loại máy cấy yêu cầu phải có một loại khay thích hợp, không thể thay thế được.

- Tương ứng với các máy cấy trên thị trường có các loại khay sau:

+ Khay nhựa cứng có kích thước: 600 x 300 x 30 mm; diện tích lòng khay: 0,1596 m².

+ Khay nhựa cứng có kích thước: 600 x 230 x 30 mm; diện tích lòng khay: 0,1197 m².

+ Khay nhựa cứng có kích thước: 600 x 250 x 30 mm; diện tích lòng khay: 0,1311m².

+ Khay nhựa mềm có kích thước: 580 x 220 x 23 mm; diện tích lòng khay: 0,1176 m².

Tùy thuộc vào quy mô sản xuất và tính chất sản xuất mà ta sử dụng loại khay và lượng khay cho thích hợp.

* Xác định lượng khay cần sử dụng:

Thực tế cần từ 8 - 9 khay mạ để cấy cho 1 sào 360 m². Tùy vào quy mô sản xuất mà xác định lượng khay tương ứng.

2. Gieo mạ:

* Hạt giống:

Hạt giống sau khi ủ phải đảm bảo nứt nanh hoàn toàn, toàn bộ khối lúa giống phải nảy mầm đồng đều, rễ mầm không dài quá ½ chiều dài của hạt lúa.

* Chuẩn bị khay trước khi gieo:

Cho giá thể vào khay gieo với cữ định mức, sau đó sắp xếp khay theo trật tự và hàng lối nhất định và sắp xếp số lượng khay theo khối lượng giống có thể mang theo trên 1 một lần gieo. Để phơi giá thể trong khay ít nhất 12 tiếng trước khi tiến hành công đoạn gieo mạ trên các khay đó nhằm đảm bảo hả hết hơi độc trong quá trình ủ giá thể.

* Gieo mạ:

- Trước khi tiến hành gieo mạ dùng ô doa tưới đẫm nước lên phần giá thể đã được chuẩn bị trên khay, đợi ráo nước mới tiến hành gieo mạ.

- Khi tiến hành gieo mạ nên chia lượng hạt giống cần gieo trên số khay đã xác định thành 2 phần (1 phần 70% hạt giống, 1 phần 30% hạt giống), gieo thành 2 lần để lượng hạt giống trên khay đạt được sự đồng đều cao nhất, đảm bảo cho cây mạ phát triển đồng đều nhất khi đưa vào chăm sóc. Trong quá trình gieo ta có thể sử dụng 2 cách thức gieo: Gieo hạt bằng máy hoặc gieo bằng tay.

- Sau khi gieo hạt, dùng ô doa tưới nước lại lần nữa cho lúa trồi mậm giống lên trên và trải đều trên mặt khay. Sau đó phủ lớp đất dày khoảng 0,5 - 0,7cm lên trên, đất phủ kín hạt giống trong khay.

3. Chăm sóc mạ:

* Giai đoạn hoạt hóa mầm mạ:

Khay mạ được gieo xong đem xếp thành chồng cao rồi đưa vào nhà ủ, giữ ấm cho mầm mạ tiếp tục phát triển và mọc đều trong khay.

Thời gian mạ ở trong nhà ủ khoảng 48 giờ. Khi mạ đủ thời gian và với bao lá mầm trên khay đều, khỏe mới tiến hành đưa mạ ra khu vực chăm sóc để tiện chăm sóc, theo dõi mạ cho đến lúc cấy.

* Giai đoạn chăm sóc mạ non:

- Mạ sau khi qua giai đoạn hoạt hóa mầm được chuyển ra khu chăm sóc trong thời gian từ 7 - 10 ngày. Trong giai đoạn này, ta phải chú ý kiểm soát nhiệt độ ở mức vừa phải và luôn luôn kiểm soát độ ẩm trên khay mạ, tránh hiện tượng thiếu nước trên khay.

- Khi mạ đạt 1,5 - 2 lá thật, lúc này các rễ mạ quấn vào nhau tạo thành một tảng và dễ dàng tách ra khỏi khay mạ, tiến hành luyện mạ.

- Mục đích: Làm cho mạ thích nghi dần với điều kiện thời tiết bên ngoài, thích nghi tốt với chân ruộng khi mang ra đồng cấy.

- Thời gian luyện mạ khoảng 4-5 ngày là có thể mang đi cấy.

(Nguồn: Kythuatnuoitrong.edu.vn)