Tôi đã trồng bí đỏ bằng phương pháp làm đất tối thiểu trên đất 2 lúa nhưng thời tiết vừa qua có mưa kéo dài liên tục khiến cây khó phát triển. Xin cho biết cần tác động kĩ thuật thế nào để cây bí sinh trưởng và phát triển thuận lợi?
10/11/20 03:28PM

* Trước hết bạn cần khơi thông mương máng, nạo vét sao cho nước được tháo kiệt các dõng luống. Nếu bí đã trồng được sau một tuần cần xới phá váng bề mặt luống mé trồng cây để được thông thoáng. Sử dụng các chế phẩm phân bón qua lá siêu lân hoặc nấm cộng sinh tưới gốc để bộ rễ bí nhanh phát triển.

- Khi đất ruộng đã khô ráo thì tiến hành làm luống bổ sung. Nên chọn loại phân tổng hợp cao cấp như 16- 6-16, 12- 5-10, 12- 3-10, 16- 16-8… để bổ sung dinh dưỡng kịp thời giúp cây sinh trưởng và phát triển thuận lợi ngay giai đoạn đầu. Bón phân thúc lúc này cần bón xa gốc (khoảng 20-25cm) sau đó xới đất lấp phân và vun gốc. Không để bí bò xuống mặt ruộng đã phủ rơm rạ.

- Bấm ngọn khi cây có 5-6 lá thật. Tùy theo mật độ trồng và đặc điểm mỗi giống bí mà có thể để 2-3 nhánh/cây.

* Kinh nghiệm thực tế cho thấy với loại phân 12-5-10 hoặc 12-3-10 bón thúc làm 3 đợt: Đợt 1 (bí được 5-6 lá lúc bấm ngọn) bón 15-25 kg/sào Bắc bộ. Đợt 2 khi cây ra hoa rộ và đợt 3 khi bí rộ quả bón mỗi lần 10-12kg sẽ cho năng suất bí cao, chất lượng tốt, quả lại đồng đều và cây ít bị sâu bệnh.

* Chú ý: Bón phân thúc không nên hòa nước tưới gốc sẽ rất dễ làm cây thối hỏng rễ. Tốt nhất nên bón theo phương pháp “chặn đầu” cây sẽ hút dinh dưỡng dễ dàng. Lần cuối cùng bón thúc có thể đưa nước vào các dõng luống rồi rắc phân vào dõng, khoắng cho tan để nước phân ngấm dần vào luống.

- Nên bổ sung vào vùng rễ bí một số chế phẩm chứa nấm Trichodecma để hạn chế vi khuẩn và nấm gây hại, không nên tưới đạm đơn lẻ cho cây. Thường xuyên giữ ẩm cho cây, tuyệt đối không nên để luống đất quá khô hoặc quá ẩm bí sẽ có nguy cơ thối rễ, đứt rễ chết rũ hàng loạt.

- Có thể áp dụng biện pháp thụ phấn bổ sung để tăng khả năng đậu quả cho bí khi thời tiết không ưu tiên.

- Phòng trừ sâu bệnh: Lưu ý phòng trừ tốt các loài sâu bệnh hại chính như sâu ăn tạp, bọ trĩ, nhện đỏ, bọ phấn, bệnh sương mai, phấn trắng hoặc nứt thân chảy nhựa, thối đốt, héo xanh. Trong đó các loài sâu chích hút gây hại mạnh từ tháng 10-11 khi thời tiết hanh khô kéo dài. Cần điều tra và phun trừ kịp thời tránh để ngọn, lá non bị gây hại nặng. Các loài nấm bệnh phát sinh gây hại chủ yếu khi thời tiết có sương hay mưa ẩm thường xuyên, cần phòng bệnh tốt bằng nhiều biện pháp thích hợp.

(Nguồn: nghenong.com)