Vì sao trái ớt chỉ thiên bị mốp và mềm?
28/07/21 04:37PM

Chào bạn!

Có hai trường hợp làm cho trái ớt bị mốp, mềm:

- Vết mốp bị thối nhũn, sũng nước

- Vết mốp có màu nâu đen hơi lõm vào và trên vết bệnh có các quầng đồng tâm.

Hai trường hợp này là hai bệnh khác nhau nên cũng có hai loại thuốc khác nhau để trị nhưng bạn chưa mô tả rõ ớt của bạn bị mềm dạng nào. Cần xác định đúng bệnh trước khi quyết định biện pháp đối phó.

1. Trường hợp trái ớt bị mốp và vết bệnh thối mềm nhũn, sũng nước, vết thối không có màu nâu đen.

- Đây là bệnh thối trái ớt do vi khuẩn gây ra. Bệnh này xảy ra nặng trong mùa mưa. Vi khuẩn xâm nhập vào trái qua khí khẩu trên trái và nhất là qua các vết thương do côn trùng cắn. Từ các vết này vi khuẩn chui vào trong và làm cho trái ớt bị thối. Bệnh này rất khó trị. Cần áp dụng biện pháp ngừa bệnh sẽ có hiệu quả cao hơn.

 - Trước hết, không nên trồng ớt với mật độ quá dày. Vì khi trồng dày quá thì cây sẽ giao tán đến khi có trái, vườn ớt sẽ rất ẩm ướt và đây là điều kiện tốt để bệnh phát triển nhanh.

- Cần giảm bớt lượng phân đạm bón cho cây, khi ớt đã có bệnh xuất hiện. Nên bón thêm phân Kali (15 đến 30 Kg K2O/ha) để giúp cây ớt chống chịu với bệnh.

- Tưới nước cho ớt nên tưới hơi muộn vào buổi sáng và không tưới vào buổi chiều mát.

- Không có loại thuốc đặc trị cho bệnh nầy. Có thể dùng một trong các loại thuốc sau đây để ngừa bệnh: Copper-Zinc, Coc 85, Zinc- Copper, Kasuran. Phun thuốc định kỳ mỗi 7 đến 10 ngày/lần khi phát hiện ra bệnh. Ngưng phun thuốc 10 đến 15 ngày trước khi hái trái. Điều này sẽ rất khó vì ớt được hái rất nhiều đợt. Do đó, tùy trường hợp chúng ta phải quyết định thời gian phun thuốc cho phù hợp.

- Khi phát hiện ra vườn ớt có vài trái thối, phải lập tức hái các trái bệnh, mang ra khỏi vườn thật xa rồi đốt đi và tiến hành phun thuốc.

- Ngừa các loại côn trùng cắn phá hoặc chích hút trái ớt.

- Nên rải vội bột (vôi càng long) lên khắp mặt đất, mỗi 15 ngày /lần, để diệt bớt vi khuẩn chảy tử trái xuống đất. Nếu không nước mưa hoặc nước tưới có thể bắn vi khuẩn từ dưới đất lên trên lá hoặc trái ở gần mặt đất.

2. Trường hợp trái ớt bị mốp có màu nâu đen hơi lõm vào và trên vết bệnh có các quầng đồng tâm là ớt bị bệnh thán thư do nấm Colletotrichum gây ra.

Biện pháp phòng trị:

- Xử lý hạt giống bằng KMnO4 (0,1%) trong 1 giờ hoặc xử lý nước nóng 52oC trong 2 giờ.

- Luân canh, không trồng cây họ cà, ớt trong vòng 2 - 3 năm.

- Phun thuốc Copper B 75 WP, Score 250 EC, Appencarb, FOLPAN 50SC, ... liều lượng theo hướng dẫn ghi trên nhãn khi có bệnh gây hại.

- Bón cân đối NPK, đặc biệt để bổ sung đầy đủ nguyên tố vi lượng cho cây ớt có thể sử dụng chế phẩm Bayfolan khoáng chất 11 - 8 - 6 của Công ty Bayer với liều lượng 50ml/bình 16l.

- Cây ớt thường bị phá hại bởi các loại côn trùng, sâu ăn lá, sâu đục quả ớt, tạo các vết thương cơ học rất thuận lợi cho nấm gây bệnh thán thư xâm nhập phá hại. Vì vậy có thể dùng thuốc Bulldock 025EC liều lượng 0,5-1lít/ha diệt sâu hại.

- Phun thuốc: Antracol 70WP phun trực tiếp lên lá, cây hoặc quả khi bệnh mới xuất hiện. Có thể phun luân phiên thuốc Antracol 70WP (1.5-2 kg/ha) với thuốc Nativo 750WG (liều lượng 0,12kg/ha), nhờ tác động kép giữa 2 hợp chất trừ bệnh của thuốc Nativo 750WG giúp cây ớt phòng trừ được tất cả các bệnh nấm hại cây và quả ớt kéo dài.

Ngoài 2 loại thuốc trên, người sản xuất cũng có thể dùng luân phiên với thuốc Melody DUO 66,75WP với liều lượng theo khuyến cáo.

(Nguồn: Bạn nhà nông)