Xin hỏi các bệnh cây hành lá và biện pháp phòng trừ?
20/11/20 03:50PM

1. Bệnh đốm khô lá hành do nấm Cercospora dudiae:

- Trên lá hành non thường có những đốm trắng, tròn, sau đó chuyển sang màu vàng nhạt, đó là bệnh do nấm Cercospora dudiae gây ra. Bệnh thường gây hại ở phần chóp lá rồi lan dần xuống dưới gốc lá làm cho lá trở nên màu nâu xám, khô. Bệnh nặng làm các lá đều bị bệnh, bụi hành trở nên vàng, các chóp lá bị hư, phát triển kém, giảm năng suất hành rất đáng kể.

Biện pháp phòng trừ:

- Thường xuyên thăm đồng, vệ sinh đồng ruộng.

- Bón phân cân đối và đầy đủ, tăng cường bón phân chuồng hoại mục cho ruộng hành.

- Khi thấy bệnh chớm xuất hiện, phun một trong các loại thuốc sau: Copper B 75 WP, Benlate 50 WP, Derosal 60 WP, Ridomil MZ 72 WP với liều lượng 15-25g/8 lít hoặc Score 3 cc/8 lít, phun 7-10 ngày/lần.

2. Bệnh cháy lá hành do nấm Bolytris:

- Đây là bệnh do nấm có tên là Botrytis gây ra. Điểm quan trọng của bệnh này là gây nên thối củ lúc tồn trữ và đem bán. Nấm bệnh có mặt trên củ giống lúc trước khi trồng. Do đó cần ngừa bệnh hơn là khi có bệnh rồi mới phun thuốc trị. Trên ruộng trồng củ hành cần phòng ngừa bệnh này kỹ bằng cách bón nhiều phân chuồng hoại mục, rải vôi bột trên mặt liếp, 200 kg/ha, rồi sau đó xới đất để trộn vôi vào đất, trước khi trồng.

- Nên theo dõi hành thường xuyên để khi vừa có bệnh xuất hiện, chúng ta kịp thời can thiệp để chặn đứng bệnh. Hoặc là khi thấy các ruộng lân cận đã có bệnh xuất hiện thì phải áp dụng các biện pháp tích cực ngăn chặn bệnh lây sang ruộng nhà. Một mặt nên điều chỉnh thời điểm tưới hành lại. Không vội tưới cho hành vào lúc tờ mờ sáng, mà chờ khi có nắng lên độ 1 giờ sau mới bắt đầu tưới. Còn buổi chiều nên tưới sớm để lá hành phải khô nước vào buổi tối (tuyệt đối tránh cho lá hành bị ướt nước vào buổi tối).

- Khi thấy trên hành có vài vết bệnh thì nên phun thuốc Bonanza để chặn đứng bệnh lại. Nếu áp lực của bệnh cao quá thì phải phun nhiều lần cách nhau 15 ngày.

- Chỉ thu hoạch hành khi cổ của củ hành đã chín. Sau khi thu hoạch cần phơi cho khô cuống củ trước khi bó lại và mang về tồn trữ. Trước khi tồn trữ cần rải bột talc lên củ và cổ củ để cho củ được khô ráo trong khi tồn trữ. Biện pháp này giúp cho củ ít bị thối trong lúc tồn trữ.

3. Bệnh thối nhũn vi khuẩn do Pectobacterium carotovorum, Erwinia và Dickeya chrysanthemi:

Bệnh cũng thường xảy ra trong mùa mưa, vi khuẩn gây bệnh lây lan theo nguồn nước, tấn công nách lá, chui vào mạch dẫn, làm thối nhũng phần củ hành, lá phía trên bị trắng gẫy gập xuống.

Phòng trừ:

-   Luân canh cây trồng.

-   Lên liếp cao, thoát nước tốt.

-   Bón vôi cho đất.

-   Loại bỏ cây bị bị nhiễm nặng.

-   Bón phân cân đối, nên bón nhiều phân hữu cơ, nên xử dụng Trichoderma.

-   Có thể dùng thuốc gốc đồng, PhytoxynVS, Kasumin để ngừa bệnh, còn trị dùng New Kasuran, Starner, Marthian

(Nguồn: bannhanong.vn)