Hiện tôi đang canh tác 3ha giống nếp sáp, ở giai đoạn làm đòng đến trổ chín cây nếp bị bệnh đốm nâu thối bẹ rất nhiều. Tôi đã phun nhiều loại thuốc phòng trừ theo sự chỉ dẫn của các đại lý thuốc BVTV nhưng vẫn không hết. Cho tôi hỏi phải phòng trừ bệnh như thế nào để đạt hiệu quả?
23/03/21 10:16AM

Trước hết đề nghị bạn mang mẫu cây bệnh đến Trạm Bảo vệ Thực vật nhờ giám định để biết được nguyên nhân chính xác và đưa ra hướng phòng trừ hiệu quả. Do thiếu hình ảnh nên khó chẩn đoán. Qua mô tả của bạn, có khả năng cây bị bệnh sau:

-   Trước hết bệnh đốm nâu là bệnh do cây lúa nếp bị suy dinh dưỡng do thiếu phân, ngộ độc phèn, thối bẹ… Khi đủ dinh dưỡng cây lúa nếp sẽ hồi phục lại

-   Có khả năng ruộng nếp của bạn bị nhện gié tấn công. Nhện gié chích hút ở bẹ lá lúa, tạo ra những vết bầm ở lá lúa như cạo gió. Từ vết chích hút của nhện gié, nấm bệnh tấn công tạo ra bệnh thối bẹ. Bạn chỉ phun thuốc trừ bệnh thối bẹ mà không trị nhện gié thì sẽ không hết. Nhện xuất hiện nhiều ở giai đoạn bắt đầu làm đòng đến trổ, vì vậy cần phát hiện sớm, phun thuốc trừ ngay từ thế hệ đầu tiên mới có hiệu quả cao. Có thể sử dụng một số thuốc hóa học đặc trị nhện như: Nissorun, Kinalux, Kumulus, Comite, Danitol-S 50EC (sử dụng theo liều khuyến cáo). Trước khi phun thuốc cần vô nước cho mực nước ruộng cao để đẩy nhện gié di chuyển lên phía trên thân lúa dễ dính thuốc. Do nhện gié sống trong bẹ lá lúa nên cần phun lượng nước cao mới có thể tiêu diệt được chúng (3-4 bình 16 lít/1.000 m2).

 -  Bệnh thối bẹ lúa do nấm Sarocladium oyzae: Bệnh thối bẹ do nấm gây nên, xuất hiện và gây hại trên bẹ lá đòng vào thời kỳ sắp trỗ bông. Bệnh làm cho bông lúa cũng như hạt lúa bị ngắn lại. Bị bệnh sớm cây lúa có bông trỗ không thoát, đồng thời hạt lúa bị lép và biến màu. Triệu chứng bệnh: ban đầu xuất hiện các vết bầu dục dài hoặc có hình dáng không nhất định dài 0,5-1,5 cm. Ở giữa vết màu xám có viền màu nâu hay toàn vết bệnh có màu nâu xẫm. Vết bệnh lớn dần, nối liền nhau và lan ra cả bẹ lá. Bệnh nặng làm bông lúa bị nghẽn, trỗ không thoát khỏi mặt trong của bẹ lá đòng, lá lúa chuyển màu vàng, bông không trỗ thoát có bám đầy nấm màu trắng; còn bông trỗ được thì một phần hạt bị lửng. Cây đã bị bệnh này vẫn có thể bị sâu đục thân hoặc nhện gié tạo vết thương ở gần gốc. Khi ra cửa hàng thuốc BVTV thì họ sẽ giới thiệu các loại thuốc trừ nấm. 

-   Bệnh thối gốc do vi khuẩn Erwinia chrysanthemi Cổ lá có màu nâu sậm, phiến lá chuyển màu vàng, chết và gảy cụp xuống. lá non héo và mất màu, đốt chuyển màu nâu đậm, rễ bị phân hủy thân bị thối mềm và có mùi khó chịu. Bệnh này phải sử dụng các loại thuốc trừ vi khuẩn.

(Nguồn: bannhanong.vn)