Hoạch định phát triển nông nghiệp công nghệ cao
02/04/21 08:53AM
Lê Đăng Lăng (cb.), Nhà xuất bản Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, 2019, 383tr.

Cuốn sách được viết dựa vào công trình nghiên cứu khoa học đã chuyển giao cho tỉnh Đắk Nông do Tiến sĩ Lê Đăng Lăng làm chủ nhiệm đề tài cũng là chủ biên sách, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. HCM) là cơ quan chủ trì thực hiện đề tài.

Cuốn sách gồm 03 phần với 09 chương viết về chủ đề có tính thời sự cao, đó là phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nội dung cuốn sách đi từ trình bày cơ sở phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến phân tích thực trạng, sau đó đưa ra một tình huống vận dụng là chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao của một địa phương, cụ thể là tỉnh Đắk Nông. Cuốn sách cũng nhấn mạnh đến vai trò của công tác hoạch định chiến lược phát triển, quy hoạch trước, dựa vào các phương pháp khoa học, đặc tính riêng của địa phương và thị trường tiêu thụ, sau đó mới tìm hiểu, vận dụng các giải pháp công nghệ - kỹ thuật phù hợp. Đặc biệt, cuốn sách nhấn mạnh đến định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao là điều chỉnh cách làm hiện nay dựa vào việc chọn loại giống mới, kỹ thuật chăm sóc mới tốt hơn rồi dần dần vận dụng các giải pháp công nghệ - kỹ thuật cao, thay vì áp dụng đồng bộ công nghệ - kỹ thuật cao ngay từ đầu sẽ tốn kém và có thể không phù hợp.

Phần đầu của cuốn sách, các tác giả đã trình bày tình hình nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao trên thế giới và Việt Nam, trong đó mô tả những dạng nghiên cứu, những mô hình và công nghệ - kỹ thuật được vận dụng cũng như nhấn mạnh đến vai trò của việc hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao để phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao của địa phương. Phần này cũng trình bày sự ảnh hưởng của môi trường vĩ mô đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao với một nghiên cứu khám phá cho kết quả khá bất ngờ sau khi được kiểm định dựa vào dữ liệu khảo sát địa phương. Cuối phần này, tác giả trình bày khá nhiều chủ trương, chính sách liên quan từ Trung ương đến địa phương với những nhận định khách quan về mức độ ảnh hưởng đến tình hình triển khai phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Theo các tác giả, phần này là cơ sở rất quan trọng để nghiên cứu phát triển nông nghiệp công nghệ cao của địa phương.

Phần thứ hai của cuốn sách là đánh giá thực trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Phần này đã chỉ ra bức tranh nông nghiệp của Việt Nam với những mảng sáng và tối, đặc biệt là những thành tựu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của một số địa phương như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Long An, Tiền Giang. Phần này cũng trình bày thái độ của nông dân đối với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao với những kỳ vọng và lo ngại, từ đó dựa vào các dữ liệu khảo sát các tác giả đã lý giải nguyên nhân có hiện tượng “được giá mất mùa, được mùa mất giá” với một số nông sản vào một số thời điểm cũng như gợi ý một số giải pháp khắc phục. Cuối phần này, các tác giả đã phân tích thị trường tiêu thụ nông sản và gợi ý một số giải pháp cải thiện đầu ra cho một số nông sản chủ lực tại Việt Nam như cà phê, hồ tiêu,…Như vậy, qua phần này, các tác giả đã làm rõ thực trạng và triển vọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.

Phần cuối của cuốn sách, các tác giả đã trình bày chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao của một địa phương cụ thể với 03 chương tương quan chặt chẽ nhau. Chương đầu nói về quan điểm, cơ sở và tầm nhìn, mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt phần mục tiêu các tác giả đã vận dụng nguyên tắc SMART để xây dựng với các chỉ tiêu cụ thể (Specific), đo lường được (Measurable), có tính khả thi (Achievable), thực tế (Realistic) và xác định rõ thời gian hoàn thành (Timebound). Kết thúc chương này, các tác giả đã trình bày ma trận đánh giá cơ hội và thách thức, điểm mạnh và hạn chế của địa phương (SWOT) và gợi ý chiến lược tổng thể về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Chương tiếp theo là nội dung các chiến lược chức năng, bao gồm mục tiêu, chiến lược và giải pháp thực hiện. Theo các tác giả, một số chiến lược chức năng cũng chính là lĩnh vực cần quan tâm để phát triển nông nghiệp công nghệ cao của địa phương bao gồm phát triển nông sản ứng dụng công nghệ cao, định giá bán và bán hàng, truyền thông xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực, tuyên truyền nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, phát triển doanh nghiệp, vùng và khu nông nghiệp công nghệ cao, phát triển nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao và một số gợi ý về công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và cơ khí nên được xem xét vận dụng. Chương cuối, các tác giả trình bày về kế hoạch triển khai phát triển nông nghiệp công nghệ cao với các giải pháp về vốn, chính sách hỗ trợ, công nghệ - kỹ thuật và kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu. Tóm lại, phần thứ ba này đã trình bày rõ cấu trúc của một chiến lược gồm 03 phần, đó là mục tiêu, nội dung chiến lược và kế hoạch triển khai hành động.