Đánh giá tình hình phát triển thượng nguồn sông Mê Công, tình hình khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu và thực trạng hệ thống công trình đầu mối dọc sông Tiền, sông Hậu
27/08/21 12:52PM
Chủ đề: Thủy lợi

Tên đề tài: Đánh giá tình hình phát triển thượng nguồn sông Mê Công, tình hình khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu và thực trạng hệ thống công trình đầu mối dọc sông Tiền, sông Hậu

Thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh

Nhiệm vụ: Rà soát cập nhật yếu tố biến đổi khí hậu vào quy hoạch thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tổ chức chủ trì: Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: ThS. Đỗ Đức Dũng

Các cá nhân tham gia đề tài: ThS. Trần Duy An; KS. Nguyễn Văn Phương; KS. Nguyễn Trung Nam; KS. Nguyễn Văn Thành; KS. Đặng Thị Kim Nga; KS. Nguyễn Duy Mão; KS. Nguyễn Thị Thu; TS. Nguyễn Đức Công Hiệp; ThS. Lê Viết Minh; ThS. Trần Quang Thọ; ThS. Đặng Thị Thúy Hằng

Thời gian thực hiện: 7/2019-12/2019

Kinh phí thực hiện: 500 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 4980/QĐ-BNN-KHCN ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Ngày nghiệm thu: ngày 07 tháng 01 năm 2020 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Trên cơ sở hệ thống các tài liệu, dữ liệu thu thập, điều tra khảo sát, nghiên cứu này đã đánh giá được tổng thể về phát triển lưu vực sông Mê Công cũng như đánh giá được tổng thể về phát triển ở thượng lưu lưu vực sông Mê Công cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả cho thấy sông Mê Công là lưu vực có tiềm năng lớn cho phát triển hồ chứa, đặc biệt là hồ thủy điện.

Nghiên cứu cũng đã rà soát và cho thấy nguy cơ chuyển nước ra khỏi lưu vực sông Mê Công ở khu vực Thái Lan là rất lớn do nhu cầu cao của Thái Lan. Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nước ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Việc khai thác cát cũng đã, đang và sẽ diễn ra không chỉ ở thượng lưu mà ngay cả ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này dẫn đến một hệ quả là đáy sông bị giảm xuống. Mức độ giảm đã được xác định từ 0,5 đến 2,0 m/năm. Trong tương lai, khi hàm lượng bùn cát giảm thì mức độ hạ thấp đáy sông kênh cũng tiếp tục giảm thêm

Kết quả đánh giá cũng đã chỉ ra rằng, hiện tượng hạ thấp lòng dẫn nói chung và hạ thấp đáy sông Tiền, sông Hậu nói riêng là do nhiều nguyên nhân, bên cạnh nguyên nhân do phát triển thủy điện ở phía thượng nguồn nên tải lượng bùn cát về hạ du ngày một giảm thì nguyên nhân chính yếu là do hoạt động khai thác cát quá mức không theo quy hoạch đã và đang diễn ra ở khu vực hạ du của lưu vực. Thực tế hiện nay theo tài liệu đánh giá thì mức độ hạ thấp đáy sông Tiền, sông Hậu là thay đổi rất khác nhau, tùy vị trí, đặc biệt có nơi độ hạ thấp đáy sông lên tới 7-8m.

Đối với các công trình đầu mối gắn với nhiệm vụ điều tiết nước để phục vụ sản xuất dọc theo sông Tiền, sông Hậu, theo đánh giá hiện nay, chỉ bao gồm hệ thống 97 tuyến kênh trục, với tổng chiều dài 4.485 km, chiều rộng B = 2060m, cao trình đáy phổ biến từ Z = -2,0 ÷ -5,5 m; và 70 cống điều tiết, tập trung chủ yếu ở vùng ven biển của đồng bằng có nhiệm vụ kiểm soát mặn, điều tiết nước ngọt phục vụ sản xuất. Và để đánh giá được các tác động tới khả năng lấy nước của hệ thống công trình đầu mối dọc sông Tiền, sông Hậu, nghiên cứu đã xây dựng 3 kịch bản hạ thấp đáy sông để mô phỏng tác động, gồm (i) Kịch bản hiện trạng (HT) lòng sông không có sự thay đổi; (ii) Kịch bản phát triển bình thường (BT) cao trình đáy sông xói xuống thêm từ 0,5 đến 2m tùy theo vị trí sông; và (iii) Kịch bản phát triển cao (KC) tương tự như kịch bản TB nhưng khác về mức độ xói, cụ thể giá trị xói biến đổi từ 1 đến 3 m.

 (Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20216030-33/GGN 21-03-012)