Điều tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất phát triển một số loài lâm sản ngoài gỗ chủ yếu có giá trị kinh tế cao ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên phục vụ đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp
17/10/18 10:35AM
Lâm Nghiệp

Tên dự án: Điều tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất phát triển một số loài lâm sản ngoài gỗ chủ yếu có giá trị kinh tế cao ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên phục vụ đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp

Tổ chức chủ trì: Tổng cục Lâm Nghiệp

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm dự án: TS. Phan Văn Thắng

Các cá nhân tham gia dự án: PGS.TS. Nguyễn Huy Sơn, ThS. Lương Thế Dũng, ThS. Nguyễn Lâm Tuấn, ThS. Tạ Minh Quang, ThS. Hà Văn Năm, KS. Phan Thị Hảo, ThS. Nguyễn Thị Hiền, KS. Nông Văn Cừ, ThS. Trương Tuấn Anh, CN. Đồng Sỹ Thắng, ThS. Nguyễn Thị Huyền, CN. Vũ Hoàng Phương

Thời gian thực hiện: 7/2016-12/2017

Kinh phí thực hiện: 1.885.860.000 đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định phê duyệt kết quả dự án số 94/QĐ-TCLN-KHTC ngày 27 tháng 3 năm 2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp

 

Kết quả nghiên cứu:

Căn cứ vào kết quả điều tra thực tế kết hợp với các thông tin tài liệu của địa phương, dự án chỉ rõ vùng miền Trung và Tây Nguyên có nguồn tài nguyên lâm sản ngoài gỗ rất phong phú với trung bình ở mỗi tỉnh từ 20-60 loài mặc dù sản lượng khai thác ra không nhiều, không tập trung nhưng có nhiều loài có giá trị cao, có vai trò lớn và có giá trị nhiều mặt đối với việc tăng thu nhập, đóng góp vào thu nhập kinh tế của người dân miền núi. Xác định được một số loài có tiềm năng phát triển ở từng tỉnh gồm: Thanh Hóa 8 loài, Nghệ An 10 loài, Hà Tĩnh 8 loài, Quảng Bình 7 loài, Quảng Trị 6 loài, Thừa Thiên Huế 5 loài, Đà Nẵng 5 loài, Quảng Nam 14 loài, Quảng Ngãi 10 loài, Bình Định 14 loài, Phú Yên 7 loài, Khánh Hòa 12 loài, Ninh Thuận 6 loài, Kon Tum 9 loài, Gia Lai 11 loài, Đắk Lắk 5 loài, Đắk Nông 5 loài và Lâm Đồng 10 loài. Mặc dù phân bố phân tán nhưng diện tích và trữ lượng còn tương đối cao tập trung vào các nhóm cây có sợi, cây dược liệu, cây lấy tinh dầu và dầu nhựa, đã cho khai thác hàng năm 350 triệu cây tre nứa, 4.500 tấn song mây, 1.500 tấn măng, 300 tấn quả, 5.000 tấn sản phẩm khác làm thực phẩm 4.500 tấn dược liệu, 130.000 tấn các sản phẩm tinh dầu và dầu nhựa.

Việc gây trồng, khai thác và chế biến còn lạc hậu, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, kiến thức bản địa, trang thiết bị lạc hậu, lỗi thời nên năng suất, hiệu quả và chất lượng sản phẩm sản xuất không cao. Mặc dù thị trường lâm sản ngoài gỗ có tiềm năng lớn nhưng thị trường chưa được mở rộng, hầu hết các sản phẩm xuất khẩu để xuất sang Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch và giá của các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ thấp hơn so với sản phẩm cùng loại ở các nước trong khu vực 3-4 lần. Để đẩy mạnh phát triển lâm sản ngoài gỗ ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, cần có các định hướng và giải pháp đồng bộ trong đó chú ý 4 giải pháp chính: giải pháp chính sách, giải pháp khoa học công nghệ, giải pháp thị trường và giải pháp tổ chức quản lý

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20185404-08)