Điều tra đánh giá tác động của một số dự án thủy lợi, thủy điện, đối với đời sống người dân ở các vùng hạ du
17/10/18 10:27AM
Thủy lợi

Tên dự án: Điều tra đánh giá tác động của một số dự án thủy lợi, thủy điện, đối với đời sống người dân ở các vùng hạ du

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm dự án: Cục Kinh tế hợp tác và PTNT

Thời gian thực hiện: 2017

Cấp phê duyệt: Quyết định phê duyệt kết quả dự án số 247/QĐ-KHTH-QHDC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT

 

Kết quả nghiên cứu:

Kết quả điều tra khảo sát tác động của công trình thủy điện đến đời sống người dân vùng hạ du, đại diện của 4 vùng sinh thái: Trung du miền núi phía Bắc, Duyên hải Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên một lần nữa khẳng định, phát triển thủy điện ở nước ta còn chưa khai thác hiệu quả tổng hợp các công trình (phát điện, cắt lũ, cung cấp nước tưới) và đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân ở các vùng hạ du trong những năm vừa qua. Đó là thiệt hại về mùa màng, mất người, mất tài sản, lúc thì ngập lụt, lúc thì hạn hán, không đảm bảo nước tưới cho sản xuất.

Một số giải pháp đề xuất nhằm phát triển thủy điện và giảm thiểu tác hại của công trình thủy điện đến đời sống người dân vùng hạ du được đề xuất đó là: giải pháp bố trí ổn định đời sống dân cư ở những vùng có nguy cơ ngập lụt, di dời các hộ dân ở vùng có nguy cơ ngập lụt cao không gây mất người mất tài sản; xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt ở các vùng hạ du, dự báo cảnh báo sớm lượng nước về hồ thủy điện, xây dựng nhà chống lũ, nâng cốt nền nhà, xây đê kè bao (công trình thủy điện Tuyên Quang); bảo vệ khôi phục và phát triển rừng ở các lưu vực hồ chứa, giám sát việc trồng rừng bù của các công trình thủy điện, hỗ trợ thuyền bè, thiết kế xây dựng nhà công lũ, tăng cường quản lý chặt chẽ vận hành các công trình thủy điện, dự báo sớm hiện tượng thời tiết, giám sát theo dõi bằng công nghệ GIS, viễn thám; xây dựng các bản đồ nguy cơ, nguy hiểm sạt lở, để thực hiện tái định cư các hộ dân ở vùng nguy hiểm; thực hiện các chính sách hỗ trợ đền bù thiệt hại hợp lý cho người dân hạ du khi tình huống bất khả kháng xảy ra; thực hiện trồng rừng đầu nguồn, quản lý tốt môi trường nước, trước và sau khi thiên tai lũ lụt xảy ra, gây ra do các công trình thủy điện trên địa bàn.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-DT20185399-5400)