Giám sát dịch bệnh vùng nuôi tôm hùm lồng và tôm nước lợ tập trung tại một số tỉnh Nam Trung Bộ
22/01/19 09:43AM
Thủy sản

Tên đề tài: Giám sát dịch bệnh vùng nuôi tôm hùm lồng và tôm nước lợ tập trung tại một số tỉnh Nam Trung Bộ 

Thuộc nhiệm vụ phòng trừ dịch bệnh thủy sản năm 2016

Tổ chức chủ trì: Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III 

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 

Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Võ Văn Nha 

Các cá nhân tham gia đề tài: ThS. Đào Thị Thanh Thủy, ThS. Võ Thị Ngọc Trâm, ThS. Nguyễn Thị Chi, ThS. Trần Thị Bích Thủy, ThS. Nguyễn Ngọc Anh, ThS. Võ Hoàng Ánh, KS. Võ Văn Tân, ThS. Nguyễn Thị Tú Anh 

 

Kết quả nghiên cứu:

Kết quả nghiên cứu cho thấy kết bệnh sữa trên tôm hùm nuôi lồng xuất hiện quanh năm tại thị xã Sông Cầu (Phú Yên). Bệnh đốm trắng do WSSV đã xuất hiện sớm trong tháng đầu khi tôm hùm bắt đầu ở giai đoạn 2 tuần tuổi. Ngoài ra, bệnh do môi trường và đỏ thân trên tôm cũng xuất hiện và gây chết rải rác

Hầu hết các thông số môi trường nước như: pH, độ mặn, độ kiềm, TSS, DO, NH3, NO2-N và COD tại vùng nuôi tôm hùm đều nằm trong ngưỡng giá trị giới hạn theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT, ngoại trừ PO43-cao vượt ngưỡng vào tháng 6 và tháng 7 tại vùng nuôi Phú Mỹ và Phước Lý (Phú Yên). Các thông số môi trường nước vùng nuôi tôm hùm lồng (bên ngoài lồng nuôi) thấp hơn không đáng kể so với nước bên trong lồng nuôi tại các thời điểm giám sát, ngoại trừ số lượng vi khuẩn Vibrio tổng số thì có sự chênh lệch khá lớn giữa nước trong và ngoài lồng nuôi. Có 44,0% tôm hùm thương phẩm và 12,2% tôm hùm giống bị nghi ngờ bệnh sữa đem kiểm tra nhiễm Rickettsia –like, tác nhân gây bệnh sữa tôm hùm. Ngoài ra, có 86,9% mẫu tôm hùm bệnh sữa nhiễm Vibrio trong gan tụy tôm, trong đó 77,5% mẫu nhiễm Vibrio alginolyticus.

Các thông số môi trường nước nuôi tôm nước lợ tại vùng giám sát như: pH, độ mặn, độ kiềm, TSS, DO, NO2-N và COD nằm trong ngưỡng giá trị giới hạn cho phép theo QCVN 02-19:2014/BNNPTNT. Vi khuẩn Vibrio tổng số luôn hiện diện trong môi trường nước lồng nuôi, V. parahaemolyticus và WSSV tồn tại trong mẫu nước ao nuôi đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức đề kháng và sức khỏe tôm nuôi.

Đề tài thực hiện 04 đợt giám sát đột xuất trong tháng 3, tháng 5 và tháng 6/2016 tại vùng nuôi tôm hùm lồng Đầm Môn (Khánh Hòa), Đám Nai, Bãi Đồng (Phú Yên) và vùng nuôi nghêu tại xã Tam Hòa và Tam Hải, thuộc huyện Núi Thành (Quảng Nam). Hiện tượng tôm hùm chết vào ngày 23/3/2016 tại Đầm Môn (Khánh Hòa) với dấu hiệu rụng chân, là một dấu hiệu bệnh mới có thể là tổng hợp nhiều tác nhân gây bệnh tồn tại trên cùng một cơ thể tôm hùm làm tôm bị rụng chân. Hiện tượng tôm hùm chết hàng loạt ở Đầm Nai và Bãi Đồng (Phú Yên) vào ngày 30/5/2016 và 11-12/6/2016 là do thời tiết nắng nóng kéo dài, vùng nuôi có mật độ lồng dày, đặt lồng sát đáy nên khi có hiện tượng phân hủy vật chất hữu cơ mạnh dẫn đến thiếu oxy cục bộ nước tầng đáy, làm tôm hùm chết nhanh. Hiện tượng nghêu chết tại Tam Hòa, Tam Hải (Quảng Nam) vào ngày 9/5/2016 cũng do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ và độ mặn tăng cao là điều kiện thuận lợi cho kí sinh trùng Perkinsus sp. gia tăng, gây ảnh hưởng sức khỏe nghêu nuôi.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-THB va tom nuoc lo.pdf)