Hoàn thiện công nghệ xử lý bảo quản gỗ làm nguyên liệu đóng tàu thuyền đi biển
15/09/17 10:38AM
Lâm nghiệp

Tên dự án: Hoàn thiện công nghệ xử lý bảo quản gỗ làm nguyên liệu đóng tàu thuyền đi biển

Tổ chức chủ trì: Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm dự án: TS. Bùi Văn Ái

Các cá nhân tham gia dự án: TS. Nguyễn Văn Đức, TS. Vũ Văn Thu, ThS. Phạm Thị Thanh Miền, ThS. Nguyễn Duy Vượng, ThS. Hoàng Trung Hiếu, CN. Đoàn Thị Bích Ngọc, Lê Khang Hiệp, KS. Nguyễn Tuấn Anh, Đinh Khắc Nhân

Thời gian thực hiện:  1/2015-12/2016

Kinh phí thực hiện: 4.380 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 910/QĐ-BNN-KHCN ngày 24 tháng 03 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ngày phê duyệt: Họp ngày16 tháng 4 năm 2017 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Dự án đã xác định được đơn pha chế sơn chống hà phù hợp, trong đó nhựa alkyd là dầu vỏ hạt điều biến tính đã được lựa chọn làm chất tạo màng thay thế cho nhựa bitum. Đề xuất quy trình công nghệ sản xuất sơn chống hà C.HA16, áp dụng thử nghiệm tại Quảng Ninh và Hải Phòng.

Dự án đã hoàn thiện và ứng dụng công nghệ bảo quản gỗ nguyên liệu đóng tàu thuyền đi biển tại các làng nghề. Công nghệ bảo quản gỗ theo phương pháp ngâm thường và chân không áp lực được xác định cho từng đối tượng gỗ sử dụng đóng tàu thuyền đảm bảo hiệu quả ngăn cách sự phá hoại của sinh vật hại gỗ.

Xây dựng 2 mô hình ứng dụng bảo quản gỗ đóng tàu thuyền. Đã sản xuất được 2.700kg sơn C.HA16 và 4000kg thuốc bảo quản gỗ XM5. Xử lý bảo quản được 200m3 gỗ rừng trồng (keo, bạch đàn) bằng chế phẩm XM5 và đưa vào sử dụng để đóng tàu thuyền.

Sản phẩm của dự án được đánh giá đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh và thân thiện môi trường. Sản phẩm sơn chống hà: giá thành sản xuất sơn (có tính thuế) là 129.660đ/kg, giá bán sơn 140.000đ/kg thấp hơn 30% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Sản phẩm được bảo quản bằng XM5 có chi phí cho bảo quản đã làm tăng thêm 30% so với giá gỗ rừng trồng hiện nay nhưng có thời gian sử  dụng gỗ keo dài gấp 4-5 lần so với gỗ không được bảo quản nên vẫn có hiệu quả kinh tế hơn.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-DT20175234-35)