Hoàn thiện quy trình công nghệ trồng và chế biến chè Ô long từ các giống chè mới
28/11/19 09:48AM
Trồng trọt

Tên dự án: Hoàn thiện quy trình công nghệ trồng và chế biến chè Ô long từ các giống chè mới 

Thuộc chương trình: Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ sản xuất các sản phẩm chủ lực

Tổ chức chủ trì: Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm dự án: TS. Đỗ Văn Ngọc

Các cá nhân tham gia dự án: TS. Đặng Văn Thư, ThS. Trần Xuân Hoàng, KS. Trần Thị Thúy Hồng, KSC. Nguyễn Thị Phúc, KS. Đào Thị Thúy Nga, ThS. Nguyễn Mạnh Hà, Phạm Thi Hoa, Nông Văn Nhất

Thời gian thực hiện: 6/2012 – 6/2015

Kinh phí thực hiện: 6.560 triệu đồng

 

Kết quả nghiên cứu:

Dự án đã sản xuất 1,5 triệu bầu giống chè PH8 (750.000 bầu), PH10 (750.000 bầu) đạt tiêu chuẩn xuất vườn. Tỷ lệ xuất vườn đều đạt trên 80%, cây sinh trưởng khỏe, không bị sâu bệnh gây hại. Số cây giống đã được trồng tại các mô hình trồng mới.

Nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình trồng trọt và chế biến chè Ô long từ nguyên liệu giống chè mới, được Bộ NN&PTNT công nhận tiến bộ kỹ thuật áp dụng cho sản xuất.

Dự án đã trồng mô hình 30 ha giống chè mới, trong đó PH8: 13 ha, PH10: 17 ha. Mô hình chăm sóc năm thứ 3 giống chè PH8, PH10 tại các địa điểm cho thấy cây đều sinh trưởng khỏe, có tiềm năng cho năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Năng suất của các giống trung bình đạt trên 3,28 tấn/ha.

Dự án đã chế biến 4.000 kg chè Ô long thành phẩm, chất lượng sản phẩm đều đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn ngành 10 TCN839 – 2006. Giống PH10 có chất lượng chè Ô long tốt hơn giống PH8, trong đó giống PH10 đạt từ 15,8 – 16,4 điểm xếp loại khá, giống PH8 đạt 14,7 – 15,1 điểm xếp loại đạt.

Đào tạo tập huấn cho 600 người về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản, chế biến chè Ô long từ nguyên liệu các giống chè mới PH8, PH10.

Dự án xây dựng các mô hình áp dụng rộng trong sản xuất về quy trình trồng trọt và chế biến tại các điểm Phú Thọ, Thái Nguyên, Cao Bằng, trên giống chè PH10 đã cho hiệu quả kinh tế tăng 11 - 21%; giảm chi phí sản xuất 6,13 - 8,4%, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho các hộ nông dân trồng chè trong phạm vi Dự án.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- 2018-78.pdf)