Khai thác và phát triển nguồn gen cam Bù
28/11/19 10:05AM
Trồng trọt

Tên dự án: Khai thác và phát triển nguồn gen cam Bù

Thuộc chương trình: Nhiệm vụ Quỹ gen giai đoạn 2010-2015 của mạng lưới bảo tồn, lưu giữ nguồn gen

Tổ chức chủ trì: Viện Nghiên cứu Rau quả

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm dự án: TS. Đỗ Đình Ca

Các cá nhân tham gia dự án: ThS. Nguyễn Duy Hưng, ThS. Lê Thị Mỹ Hà, ThS. Nguyễn Thị Hương, KS. Lê Thị Thúy Hà, ThS. Nguyễn Thị Kim Sơn, ThS. Đặng Thị Thu Hòa, ThS. Phạm Thị Thanh Thìn, KS. Uông Thị Kim Yến

Thời gian thực hiện: 1/2010– 6/2015

Kinh phí thực hiện: 1.240 triệu đồng

 

Kết quả nghiên cứu:

Dự án đã tuyển chọn được 08 cây dầu dòng làm vật liệu cho nhân giống bảo tồn lâu dài nguồn gen. Các cây tuyển chọn đã được kiểm tra sạch bệnh và Sở NN&PTNT Hà Tĩnh ra quyết định công nhận số 1994/QĐ-SNN ngày 14/6/2011.

Từ những cây đầu dòng tuyển chọn đã tạo được 200 cây S1 sạch bệnh làm vật liệu cho nhân giống bảo tồn lâu dài nguồn gen bằng nuôi cấy meristem kết hợp với vi ghép đỉnh sinh trưởng. Các cây đưa vào bảo tồn, lưu giũ đều được kiểm tra sạch bệnh greening và tristeza bằng PCR và ELISA.

Dự án đã xác định được gốc ghép Cam Voi (Quảng Bình) có khả năng làm gốc ghép cho Cam Bù tốt hơn Chấp (Thái Bình) ở giai đoạn vườn ươm.

Nghiên cứu cũng cho thấy bón phân hợp lý là một giải pháp kỹ thuật có thể giúp cải thiện năng suất cũng như chất lượng Cam Bù trồng ở vùng đất gò đồi của huyện Hương Sơn. Sử dụng các loại phân bón gốc kết hợp với phân bón lá giúp cây sinh trưởng tốt hơn, làm tăng tỷ lệ đậu quả, nâng cao năng suất, phẩm chất quả Cam Bù hơn so với đối chứng. Trong các công thức thí nghiệm công thức sử dụng phân tổng hợp Đầu Trâu kết hợp với phân bón lá Đầu Trâu 502, 702, 902 là công thức thu được kết quả cao nhất

Nghiên cứu đã xác định được 25 đối tượng sâu, bệnh hại trên Cam Bù. Đã tiến hành phòng trừ 2 đối tượng điển hình: Bệnh loét và ve sầu bướm bằng thuốc hóa học. Đối với ve sầu bướm: Trong 4 loại thuốc thử nghiệm, có hai loại thuốc Supracide 40EC (0,2%) và Catex 3,6EC (0,15%) có hiệu lực phòng trừ cao nhất, Đối với bệnh loét: Cả 3 loại thuốc: Kocide 77WP, boocdo, New Kasuran 16,6 WP sử dụng đều có khả năng phòng trừ bệnh loét hại cam ở mức độ khác nhau so với đối chứng, song thuốc Kocide 77WP 0,2% có hiệu quả phòng trừ bệnh cao nhất.

Đã xây dựng được 2 mô hình trồng mới bằng cây giống sạch bệnh và mô hình thâm canh tổng hợp theo hướng canh tác bền vững đạt kết quả tốt. Mô hình trồng mới đến tháng 12 năm 2014 (sau trồng 23 tháng) cây sinh trưởng rất tốt, chiều cao cây đạt 151,2± 10,7cm và đường kính tán đạt 140,9±10,84 cm năm 2014. Lác đác một số cây đã cho quả. Đối với mô hình thâm canh: Năng suất cao hơn đối chứng và vượt so với kế hoạch xây dựng ban đầu. Năng suất ở mô hình thâm canh là 62,5 kg/cây, tương đương 31,25 tấn/ha; còn đối chứng đạt 34,2 kg/cây, tương đương 17,1 tấn/ha. (kế hoạch xây dựng mô hình thâm canh đạt 12 - 15 tấn/ha). Các chỉ tiêu về quả ở mô hình thâm canh đều cao hơn đối chứng. Hiệu quả kinh tế (lãi thuần) đạt 850 triệu đồng/ha, trong khi đối chứng đạt 432 triệu đồng/ha.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- 2018-92.pdf)