Nghiên cứu bệnh đốm trắng của cá chim vây vàng và đánh giá khả năng truyền lây cho một số động vật trên cạn ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ
17/03/17 09:42AM
Thủy sản

Tên đề tài: Nghiên cứu bệnh đốm trắng của cá chim vây vàng và đánh giá khả năng truyền lây cho một số động vật trên cạn ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ

Tổ chức chủ trì: Viện Thú y

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Vũ Khắc Hùng

Các cá nhân tham gia đề tài: ThS. Dương Văn Quý Bình, ThS. Phạm Trung Hiếu, ThS. Nguyễn Thị Thu Thủy, ThS. Nguyễn Xuân Trường, CN. Đào Hoài Thu, CN. Đặng Thị Sao Mai

Thời gian thực hiện: 4/2013-4/2016

Kinh phí thực hiện: 1.500 triệu

Cấp phê duyệt: Quyết định số3651/QĐ-BNN-KHCN ngày 06 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ngày phê duyệt: Họp ngày 17 tháng 9 năm 2016 tại Nha Trang

 

Kết quả nghiên cứu:

Từ 400 mẫu cá chim vây vàng bệnh và 80 mẫu cá chim vây vàng khỏe để đối chứng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu, đã xác định đặc điểm dịch tễ của cá chim vây vàng bị bệnh đốm trắng nội tạng. Các dấu hiệu cụ thể là xuất hiện các nốt phồng nhỏ trên da, các nốt phồng bị vỡ ra tạo vết thương tổn nhỏ màu nâu, gốc vây lở loét; xuất hiện các đốm trắng đục nhỏ trên mang (kích thước đốm trắng 1-2mm); hoặc xuất hiện các khối u dưới da, dọc theo cột sống, cơ thể có khối u lớn nên bị uốn cong, dị dạng. Kết quả điều tra cho thấy, bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa, kích thước cá dưới 50g; mật độ cá thả càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn; hình thức nuôi ao dìa có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn so với nuôi lồng bè.

Phân lập và giữ giống 71 chủng vi khuẩn từ 366 mẫu cá chim vây vàng bệnh cho thấy tác nhân gây bệnh phân lập được là loài Nocardia seriolae. Trình tự nucleotide 16S rRNA giữa các chủng N.seriolae phân lập tại Việt Nam có mức tương đồng cao chỉ sai khác từ 0 đến 5 nucleotide trong đoạn gen 947bp được phân tích. Tỷ lệ tương đồng giữa các chủng vi khuẩn cao từ 99,5% đến 100% chứng tỏ gen này có độ bảo tồn và tương đồng rất cao giữa các chủng N.seriolae ở các vùng địa lý khác nhau trong khu vực Nam Trung Bộ, Việt Nam.

Kiểm tra khả năng kháng kháng sinh theo phương pháp khuếch tán trên đĩa thạch của Kirby-Baued (1966): các loại kháng sinh sử dụng gồm Amikacin (30µg), Gentamicin (10µg), Cephalecin (30µg), Penicillin 10 UI, Kanamycin (30µg), Streptomycin (10µg), Doxycycline (30µg) và Spiramycin (100µg). Kết quả cho thấy, vi khuẩn phân lập được mẫn cảm với hầu hết các loại kháng sinh được sử dụng và kháng với hai loại là Cephalecin và Penicillin. Xác định được liều LD­50 của vi khuẩn N. seriolae đối với cá chim vây vàng là 1,2x104CFU/cá.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-DT20175120-22)