Nghiên cứu biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp trên cây mía cho vùng Đông Nam Bộ
06/07/18 03:02PM
Trồng trọt

Tên đề tài: Nghiên cứu biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp trên cây mía cho vùng Đông Nam Bộ

Tổ chức chủ trì: Viện Nghiên cứu Mía đường

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Cao Anh Đương

Các cá nhân tham gia đề tài: ThS. Phạm Văn Tùng, TS. Lê Quang Tuyền, KS. Lê Thị Hiền, ThS. Đỗ Đức Hạnh, ThS. Phạm Thị Thu, ThS. Thân Thị Thu Hạnh, ThS. Lê Thị Thường, KS. Nguyễn Minh Hiếu.

Thời gian thực hiện: 7/2012-12/2016

Kinh phí thực hiện: 2.300 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 332/QĐ-BNN-KHCN ngày 13 tháng 02 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ngày phê duyệt: Họp ngày 23 tháng 03 năm 2017 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Bước đầu xác định các giống mới trên đất thấp (VNT99-75 và MyM20-208) và đất cao (MyM20-398). Xác định được giống mía K95-156 và Suphanburi7 thích hợp với chất đất thấp và K88-200 thích hợp với chất đất cao. Hom giống được lấy từ ruộng mía giống 7-8 tháng tuổi có tỷ lệ mọc mầm và khả năng duy trì mật độ cây trong suốt thời gian sinh trưởng cao hơn các loại hom giống khác. Hom mía giống sau thu hoạch giống dưới 7 ngày có tỷ lệ mọc mầm và sức đẻ nhánh cao hơn, giúp tăng năng suất mía rõ rệt.

Xác định được biện pháp quản lý dịch hại mía (sâu, bệnh hại) có hiệu quả cao nhất khi áp dụng trên chân đất thấp và cao vùng Đông Nam Bộ. Biện pháp quản lý cỏ dại hại mía có hiệu quả cao nhất khi áp dụng trên chân đất thấp vùng Đông Nam Bộ là kết hợp hóa chất và cơ giới hóa.

Xác định mức bón phân đa lượng cho hiệu quả kinh tế cao ở vùng Đông Nam Bộ ở chân đất thấp (150-200N, 40-80 P2O5 và 250-300 K2O) và ở chân đất cao (250N:60P2O5:200K2O). Bón phân hữu cơ sinh học và phân hữu cơ đa vi lượng trên vùng chân đất cao và bón phân hữu cơ vi sinh trên vùng chân đất thấp ở Đông Nam Bộ cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao nhất.

Xác định các biện pháp quản lý nước tổng hợp cho mía có hiệu quả kinh tế cao nhất cho vùng Đông Nam Bộ. Ngoài ra, việc tủ lá (không đốt lá sau thu hoạch) và tưới nước bổ sung 1 lần/tháng trong mùa khô (từ tháng 1-3 ở chân đất thấp, từ tháng 12-3 ở chân đất cao), lượng tưới 1.000 m3/ha, tưới bằng phương pháp tưới tràn cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho những nơi có điều kiện áp dụng.

Xác định các biện pháp kỹ thuật trồng hàng đơn, hàng kép, khoảng cách hàng, mật độ trồng, mật độ hom nhằm tăng năng suất thực thu. Thực hiện các công thức luân canh “Đậu xanh+Mía” và “Điền thanh+Mía” và công thức xen canh “Mía-Đậu phộng” cho năng suất mía cao và hiệu quả kinh tế cao nhất.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-DT20175277)