Nghiên cứu các giải pháp tổng hợp nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả trong chăn nuôi trâu ở Việt Nam
09/07/18 09:16AM
Chăn nuôi

Tên đề tài: Nghiên cứu các giải pháp tổng hợp nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả trong chăn nuôi trâu ở Việt Nam

Tổ chức chủ trì: Viện Chăn nuôi

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Phạm Văn Giới, TS. Trịnh Văn Trung

Các cá nhân tham gia đề tài: TS. Nguyễn Công Định, TS. Ngô Thị Kim Cúc, ThS. Trần Thị Minh Hoàng, ThS. Phạm Văn Sơn, KS. Trần Trung Thông, ThS. Nguyễn Thị Minh Tâm, TS. Nguyễn Hữu Minh, BSTY. Đào Quang Biên.

Thời gian thực hiện: 1/2012-6/2017

Kinh phí thực hiện: 2.260 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 3280/QĐ-BNN-KHCN ngày 03 tháng 8 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ngày phê duyệt: Họp ngày 23 tháng 9 năm 2017 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Nghiên cứu đã đánh giá thực trạng và các yếu tố kinh tế, kỹ thuật (kỹ thuật về giống, về chăm sóc và nuôi dưỡng, kỹ thuật về sinh sản), tổ chức sản xuất tác động đến chăn nuôi trâu ở Việt Nam. Chỉ ra đặc trưng chăn nuôi trâu tại Việt Nam là quy mô nhỏ lẻ, phương thức chăn dắt hàng ngày hoặc thả tự do hàng ngày vẫn còn phổ biến, tiềm thức đầu tư vào thức ăn nuôi trâu còn thấp, các hô chưa có tập quán trồng cỏ, dự trữ thức ăn và bổ sung thêm thức ăn cho trâu. Đàn trâu tập trung chủ yếu ở vùng miền núi thấp (45-56%), còn lại là vùng núi cao (25-26%) và vùng đồng bằng (29-30%). Chỉ các hộ có điều kiện kinh tế mới chăn nuôi trâu hướng thịt.

Đề xuất các giải pháp nâng cao năng suất và hiệu quả trong việc chăn nuôi trâu: giải pháp về chính sách (đầu tư, quản lý hỗ trợ nguồn giống, đào tạo kỹ thuật viên, giao đất, khoáng rừng, chính sách ngân hàng), giải pháp về kỹ thuật, giải pháp về phương thức chăn nuôi và nguồn thức ăn (mô hình trang trại thâm canh nhỏ và vừa; xây dựng các làng văn hóa truyền thống kết hợp du lịch sinh thái; hạn chế nuôi thả rông, thực hiện chăn nuôi có quản lý; sử dụng hợp lý phụ phẩm công, nông nghiệp; chuyển đổi một số diện tích đất canh tác sang trồng cỏ thâm canh, trồng ngô dày; quy hoạch vùng chăn nuôi trâu gắn với trồng cây thức ăn thô xanh…)

Nghiên cứu cho thấy khi áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật, năng suất và hiệu quả chăn nuôi trâu tăng lên đáng kể. Áp dụng tốt giải pháp về giống làm tăng khối lượng cơ thể đàn con từ 9,89% đến 19,67% so với đại trà ở các giai đoạn từ sơ sinh đến 36 tháng tuổi; tăng khối lượng hàng ngày cao hơn đại trà từ 4,83% đến 18,75% ở các giai đoạn tuổi trên 6 tháng. Áp dụng các giải pháp sinh sản phù hợp làm cho trâu có khoảng cách lứa đẻ đạt được 15,34 tháng và đẩy tỷ lệ đẻ toàn đàn trong năm lên trên 78,23%. Áp dụng phương thức vỗ béo nuôi nhốt cho hiệu quả kinh tế cao hơn các phương thức khác.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-DT20175295-97)