Nghiên cứu cải tiến các dòng bố mẹ để tạo giống lúa lai 2,3 dòng có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu rầy nâu, bạc lá
30/12/20 03:52PM
Trồng trọt

Tên đề tài: Nghiên cứu cải tiến các dòng bố mẹ để tạo giống lúa lai 2,3 dòng có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu rầy nâu, bạc lá

Tổ chức chủ trì: Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Văn Mười

Các cá nhân tham gia đề tài: PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm, PGS. TS. Trần Văn Quang, ThS. Phạm Thị Ngọc Yến, ThS. Nguyễn Trọng Tú, ThS. Vũ Văn Quang, ThS. Vũ Thị Bích Ngọc, GS.TS. Phạm Văn Cường, TS. Lê Hùng Phong, Đoàn Văn Sáu

Thời gian thực hiện: 01/2015-12/2019

Kinh phí thực hiện: 6.000 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 2074/QĐ-BNN-KHCN ngày 08 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Ngày nghiệm thu: Ngày 29 tháng 6 năm 2020 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Đề tài đã đánh giá khả năng kháng bệnh bạc lá, rầy nâu bằng chỉ thị phân tử, nhân tạo, phân tích chất lượng gạo, ngưỡng chuyển đổi tính dục (dòng TGMS), độ ổn định bất dục (dòng CMS) của 30 dòng TGMS, 10 dòng CMS (dòng B), 60 dòng R đã chọn được 21 dòng TGMS, 8 cặp dòng A/B, và 49 dòng R đạt mục tiêu chọn lọc vật liệu lai tạo của đề tài. Sử dụng 6 dòng TGMS (thể nhận) lai cải tạo khả năng nhận phấn với hai dòng (T1S-96 và T7S; thể cho) và chọn lọc được dòng 4 dòng TGMS (AT1S; AT2S; AT15S và AT16S). Quy tụ gen kháng bệnh bạc lá từ dòng IRBB66 (mang gen kháng bệnh bạc lá Xa4, xa5, Xa7, Xa13, Xa21; thể cho) vào 10 dòng TGMS và 4 cặp dòng CMS chọn tạo được 17 dòng TGMS mới, và 5 cặp dòng A/B mới.

Đề tài sử dụng 34 dòng R thu thập ở trong nước và nhập nội (thể nhận) lai tích lũy gen kháng rầy nâu từ dòng Ptb33 (dòng mang gen kháng rầy nâu nâu bph2 và Bph3, thể cho) đã chọn tạo được 26 dòng R mới. Đánh giá khả năng kết hợp của 10 dòng mẹ (8 dòng TGMS, 2 dòng A) với 5dòng bố đã xác định được 3 dòng mẹ (T6S-BB; T68S-BB và 14A) có khả năng kết hợp chung cao với 5 dòng bố trên tính trạng năng suất thực thu, dòng mẹ T6S-BB và 14A có khả năng kết hợp chung cao với 5 dòng R trên cả 3 tính trạng (số bông/khóm; số hạt/bông và năng suất thực thu). Đánh giá khả năng kết hợp chung 5 dòng bố với 10 dòng mẹ đã xác định được 3 dòng bố (R12-KR; R20-KR và R26-KR) có khả năng kết hợp chung cao với 10 dòng mẹ trên tính trạng năng suất.

Đề tài đã tiến hành lai thử từ 17 dòng TGMS mới với 16 dòng R mới tạo được 272 tổ hợp lai hai dòng. Tiến hành sản xuất thử 6 tổ hợp lai trong điều kiện vụ Mùa 2017, đã xác định được khoảng cách gieo bố mẹ từ 8 đến 15 ngày, tỷ lệ nhận phấn ngoài tốt, tỷ lệ đậu hạt đạt từ 61,2 đến 63,7%, năng suất sản xuất hạt lai đạt từ 2,9 đến 3,2 tấn/ha. Khảo nghiệm 6 tổ hợp lai triển vọng tại Nghệ An (đại diện cho vùng Bắc Trung bộ), Nam Định (đại diện cho vùng đồng bằng sông Hồng) và Hòa Bình (đại diện cho vùng Trung du miền núi phía Bắc) trong điều kiện vụ Xuân, vụ Mùa và Hè thu 2018.

Đề tài hoàn thiện quy trình sản xuất hạt lai F1 tổ hợp TH6-6 và MV2 áp dụng cho các tỉnh phía Bắc và Nam Trung bộ. Xây dựng mô hình sản xuất hạt giống lúa lai F1 tổ hợp TH6-6 và MV2 tại Nam Định và Quảng Nam. Xây dựng quy trình thâm canh thương phẩm giống lúa lai hai dòng TH6-6, giống lúa lai ba dòng MV2 tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Đánh giá tính kháng bệnh bạc lá của dòng mẹ T6S-BB và 14A, giống TH6-6 và MV2 kháng tốt (điểm 3) với mẫu bệnh bạc lá thu thập ở Nam Định, tương đương với dòng chuẩn kháng IRBB7.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20205923)