Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật gây trồng Sơn huyết (Melanorrhoea laccifer Piere) và Bời lời đỏ (Litsea glutinosa Roxb.) cho vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên
06/07/18 02:38PM
Lâm nghiệp

Tên đề tài: Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật gây trồng Sơn huyết (Melanorrhoea laccifer Piere) và Bời lời đỏ (Litsea glutinosa Roxb.) cho vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Tổ chức chủ trì: Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Thị Chuyền

Các cá nhân tham gia đề tài: CN.Trần Thị Thúy Hằng, KS. Trần Hoàng Hóa, ThS. Hà Văn Năm, ThS. Tạ Minh Quang, ThS. Nguyễn Thị Hiền, ThS. Lê Thanh Tuấn, ThS. Trương Tuấn Anh, TS. Phan Văn Thắng, KS. Lê Quang Thọ, KS. Nguyễn Đình Song

Thời gian thực hiện: 1/2012-12/2016

Kinh phí thực hiện: 2.500 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 845/QĐ-BNN-KHCN ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ngày phê duyệt: Họp ngày 21  tháng 4 năm 2017 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Tại các điểm nghiên cứu Quảng Nam (vùng Nam Trung Bộ), Lộc Lâm và Lang Hanh, Lâm Đồng (vùng Tây Nguyên) các pha vật hậu của Sơn huyết đều chậm hơn so với điểm nghiên cứu tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Hệ số tổ thành và giá trị quant rọng của Sơn huyết ít có sự khác biệt giữa các điểm nghiên cứu, dao động từ 6,34%-9,33%. Hạt Sơn huyết mới thu hái từ rừng về có hàm lượng nước khá cao thường dao động từ 30,05% đến 32,94%. Trong sản xuất nên giảm bớt hàm lượng nước của hạt bằng các phương pháp làm khô thông thường. Có thể bảo quản hạt giống Sơn huyết trong 9 tháng ở nhiệt độ từ 5oC-15oC, tỷ lệ nảy mầm đạt xấp xỉ 70-80%. Trong điều kiện sản xuất có thể bảo quản hạt Sơn huyết trong thời gian 5 tháng ở điều kiện nhiệt độ phòng với tỷ lệ nảy mầm đạt 70%. Xử lý hạt Sơn huyết bằng cách ngâm hạt trong nước ấm, nhiệt độ ban đầu 40-50oC trong thời gian 6 giờ vừa cho tỷ lệ nảy mầm cao nhất đạt 92,33% vừa rút ngắn được thời gian gieo ươm.

Đề tài đã chọn lọc được 120 cây trội Sơn huyết và Bời lời đỏ trong đó thu hái được hạt giống từ 90 cây trội. Hạt giống của các cây trội đã được gieo ươm tạo cây con sử dụng để xây dựng 4ha khảo nghiệm hậu thế. Kết quả tính toán cho thấy sinh trưởng của các gia đình Sơn huyết, Bời lời đỏ trong khảo nghiệm tại Gia Lai đã có sự phân hóa về đường kính gốc và chiều cao giữa các gia đình. Đề tài bước đầu lựa chọn được 5 gia đình Sơn huyết có sinh trưởng trội hơn các gia đình còn lại về đường kính gốc và chiều cao là các gia đình mang số hiệu: AS01, AS07, AS11, AS26 và AS28.

Khai thác Bời lời đỏ lần 1 khi cây được 5 đến 6 tuổi bằng phương thức khai thác trắng hoặc khai thác chọn, tuy nhiên trong thực tế đa số người dân lựa chọn khai thác trắng để thuận tiện chăm sóc cây chồi tái sinh. Thời gian khai thác nên tránh mùa mưa do gốc chặt dễ bị thối làm giảm khả năng tái sinh chồi, đồng thời điều kiện thời tiết không thuận lợi cho việc sơ chế hoặc chế biến sản phẩm. Chồi Bời lời đỏ tái sinh mạnh sau 5 tháng khai thác ở luân kỳ 1 có thể cao từ 50-80cm, số chồi để lại trên gốc chặt thường từ 2 đến 4 chồi. Tuy nhiên khi chăm sóc, tỉa để lại 2 chồi/gốc có ảnh hưởng tốt hơn cả về sinh trưởng đường kính gốc, chiều cao và chất lượng của cây chồi.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-DT20175271-73)