Nghiên cứu chọn tạo giống chè mới năng suất cao, chất lượng tốt bằng phương pháp gây đột biến nhân tạo kết hợp lai hữu tính
17/10/18 11:12AM
Trồng trọt

Tên đề tài: Nghiên cứu chọn tạo giống chè mới năng suất cao, chất lượng tốt bằng phương pháp gây đột biến nhân tạo kết hợp lai hữu tính

Tổ chức chủ trì: Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Thị Minh Phương

Các cá nhân tham gia đề tài: PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, TS. Đỗ Văn Ngọc, PGS.TS. Đặng Trọng Lương, TS. Đặng Văn Thư, TS. Nguyễn Thị Hồng Lam, ThS. Phùng Lệ Quyên, ThS. Trần Xuân Hân, ThS. Đỗ Thị Việt Hà, ThS. Nguyễn Thị Hải

Thời gian thực hiện: 1/2014-12/2017

Kinh phí thực hiện: 4.950 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 1517/QĐ-BNN-KHCN ngày 03 tháng 05 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Ngày phê duyệt: ngày 15 tháng 05 năm 2018 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Đề tài đã chọn được 3 giống chè mới trong đó 1 giống được công nhận giống mới (PH8) và 2 giống sản xuất thử (TRI5.0, Hương Bắc Sơn). Giống chè PH8 sinh trưởng khỏe, năng suất cao, thích ứng rộng, chịu hạn và lạnh tốt, chống chịu sâu bệnh khá, dễ giâm cành, chế biến chè xanh có chất lượng cao và hương thơm khá. Giống chè TRI5.0 sinh trưởng khỏe, chống chịu sâu bệnh khá, dễ giâm cành, chế biến chè xanh và chè đen chất lượng khá. Giống chè Hương Bắc Sơn sinh trưởng khỏe, bật mầm sớm, dễ giâm cành, khả năng chống chịu sâu bệnh khá, nguyên liệu búp tốt, chế biến chè xanh va chè Ôlong chất lượng tốt. Hiện nay các giống đang được trồng và phát triển tại các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La với diện tích 1.200 ha PH8, 40 ha TRI5.0, 45ha đối với giống Hương Bắc Sơn.

            Nghiên cứu đã chọn được 12 dòng chè mới trong đó có 7 dòng chè được tạo ra bằng phương pháp đột biến gồm các dòng ĐBK1, ĐBK6, ĐBK11, ĐBK12, ĐBS7, ĐBS11, PH1 2.0 và 5 dòng chè được tạo ra bằng phương pháp lai hữu tính gồm các dòng 230, dòng 233, dòng 212, dòng 248. Các dòng chè mới chọn tạo có năng suất ở tuổi 3 đạt 3,78-5,8 tấn/ha tăng hơn so với đối chứng (Kim Tuyền, Shan) 20-30%, điểm thử nếm chè xanh, chè đen đều đạt trên 16,5 điểm. Có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.

            Đề tài tạo được nguồn vật liệu khởi đầu phong phú bằng phương pháp lai hữu tính và phương pháp xử lý đột biến. Đã chọn được 100 cá thể ưu tú, trong đó bằng phương pháp xử lý đột biến đã chọn được 70 cá thể ưu tú. Các cá thể này có khả năng sinh trưởng khỏe, năng suất cây đạt từ 86,5-163,9 g/cây tương đương 1,7-3,2 tấn/ha. Đánh giá cảm quan hương thơm đều có hương giống với mức độ từ thơm nhẹ đến hương giống mạnh với điểm thử nếm đạt > 16 điểm. Xây dựng 2 quy trình nhân giống và trồng trọt thâm canh cho một số dòng/giống chè đột biến và lai hữu tính.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-DT20185436)