Nghiên cứu chọn tạo giống lúa chống chịu hạn cho vùng đất cạn nhờ nước trời và các vùng sinh thái có điều kiện khó khăn
17/03/17 01:40PM
Trồng trọt

Tên đề tài: Nghiên cứu chọn tạo giống lúa chống chịu hạn cho vùng đất cạn nhờ nước trời và các vùng sinh thái có điều kiện khó khăn

Tổ chức chủ trì: Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Đỗ Việt Anh

Các cá nhân tham gia đề tài: ThS. Nguyễn Xuân Dũng, ThS. Nguyễn Anh Dũng, TS. Đào Minh Sô, TS. Lại Tiến Dũng, TS. Trần Văn Quang, TS. Lại Đình Hòe, TS. Đặng Bá Đàn, ThS. Nguyễn Văn Chinh, ThS. Nguyễn Quang Hảo

Thời gian thực hiện: 1/2011-12/2015

Kinh phí thực hiện: 4.100 triệu

Cấp phê duyệt: Quyết định số 2868/QĐ-BNN-KHCN ngày 12 tháng 7 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ngày phê duyệt: Họp ngày 21 tháng 8 năm 2016 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Đề tài đã nghiên cứu, thu thập và đánh giá 934 mẫu dòng giống. Tiến hành tạo được 910 mẫu giống, tổ hợp lai và xử lý đột biến làm nguồn vật liệu đầu để phục vụ công tác chọn tạo giống lúa mới. Chọn lọc 5000 dòng chịu hạn cho vùng đất cạn nhờ nước trời và 6162 dòng chịu hạn cho vùng khó khăn về nước. Từ đó đánh giá 600 dòng thuần triển vọng về tính chịu hạn; 812 dòng thuần triển vọng về khả năng chống chịu sâu bệnh và tính chống đổ; 80 dòng thuần triển vọng về sự ổn định năng suất; cũng như phân tích và đánh giá 98 dòng giống lúa chịu hạn mới về chất lượng gạo.

Chọn tạo được 5 giống lúa cạn và chịu hạn mới, trong đó 2 giống lúa (LC4108 và Sơn Lâm 2) chờ Quyết định công nhận chính thức và 3 giống lúa sản xuất thử (giống CH16 đã có Quyết định công nhận sản xuất thử, 2 giống lúa cạn CH10 và CH12 đang chờ Quyết định công nhận sản xuất thử). Khảo nghiệm cơ bản ba vụ cho 05 giống lúa chịu hạn (CH13, CH19, LC447, LC448, LCH33), đồng thời được đánh giá là giống lúa triển vọng cho vùng đất cạn nhờ nước trời hoặc vùng khó khăn về nước.

Xây dựng 11 mô hình trình diễn các giống lúa chịu hạn mới với quy mô 29 ha, vượt 9ha so với kế hoạch giai đoạn 2011-2015. Các mô hình này đều có lợi nhuận cao, đồng thời chấp nhận cho phát triển tại các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Lạng Sơn, Quảng Bình, Quảng Nam, Đăk Lăk, Đăk Nông. Hoàn thiện 05 quy trình kỹ thuật canh tác giống lúa chịu hạn mới gồm LC408, CH10, CH12, CH16 và Sơn Lâm 2. Quy trình kỹ thuật canh tác giống lúa chịu hạn sẽ đảm bảo năng suất trên 35 tạ/ha ở vùng đất cạn hoàn toàn nhờ nước trời và trên 50 tạ/ha ở vùng khó khăn vè nước, đồng thời dễ áp dụng và đạt hiệu quả kinh tế cao.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-DT20175097-98)