Nghiên cứu chọn tạo giống nấm ăn và nấm dược liệu có giá trị hàng hóa cao
17/08/22 10:53AM
Chủ đề: Trồng trọt

Tên đề tài: Nghiên cứu chọn tạo giống nấm ăn và nấm dược liệu có giá trị hàng hóa cao

Thuộc Dự án Khoa học&Công nghệ "Nghiên cứu chọn tạo, nhân giống và sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp"

Thuộc Chương trình: Phát triển sản phẩm quốc gia  về nấm ăn và nấm dược liệu đến năm 2020

Tổ chức chủ trì: Viện Di truyền nông nghiệp

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: GS.TS. Phạm Xuân Hội

Các cá nhân tham gia đề tài: GS.TS. Lê Huy Hàm; ThS. Nguyễn Thị Giang; ThS. Trần Thu Hà; ThS. Nguyễn Thị Hằng; ThS. Lê Thanh Uyên; ThS. Phạm Thị Thu; ThS. Ngô Thị Thuỳ Dương; ThS. Vũ Thị Hằng; ThS. Nguyễn Nam Giang

Thời gian thực hiện: 2017-2021

Kinh phí thực hiện: 17.408 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 4130/QĐ-BNN-KHCN ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Nghiệm thu: ngày 29 tháng 10 năm 2021 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Để tài sử dụng 3 phương pháp chính là phương pháp thu thập, phương pháp gây đột biến sử dụng tia gamma và phương pháp lai tạo để tạo vật liệu các loại nấm. Kết quả đã chọn tạo được tổng số 72 chủng nấm có khả năng sinh trưởng tốt, cụ thể: 8 chủng nấm rơm, 21 chủng nấm sò, 8 chủng nấm mộc nhĩ, 5 chủng nấm mỡ, 7 chủng nấm đùi gà và 23 chủng nấm linh chi. Kết quả đánh giá di truyền của các chủng nấm thuộc 06 loại nấm sử dụng chỉ thị phân tử ITS cho thấy độ dài vùng ITS1-5, 8SrRNA-ITS2 của các giống nấm dao động không nhiều trong khoảng 632-711 nucleotide và kết quả xây dựng mối quan hệ di truyền của các nguồn gen nấm các giống nấm nghiên cứu rất đa dạng về chủng loại. Kết quả so sánh, tuyển chọn 6 chủng nấm triển vọng ở các giai đoạn nhân giống cấp 1, nhân giống thương phẩm và giai đoạn nuôi trồng, đề tài đã tuyển chọn được 3 chủng nấm rơm mới, 4 chủng nấm sò, 3 chủng nấm mộc nhĩ, 3 chủng nấm mỡ, 3 chủng nấm đùi gà, 5 chủng nấm Linh chi. Đề tài cũng tiến hành khảo nghiệm cơ bản (khảo nghiệm diện hẹp) 6 chủng nấm triển vọng tại 3 thời vụ trong đó có 2 vụ trùng tên ở các vùng sinh thái khác nhau.

Kết quả nghiên cứu đã xây dựng thành công 18 quy trình công nghệ nhân giống nấm cấp I, cấp II và cấp III (giống nấm thương phẩm) cho 06 loại nấm (Rơm, Sò, Mỡ, Mộc nhĩ, Linh chi, Đùi gà) mới tuyển chọn, phù hợp với điều kiện sản xuất giống tại Việt Nam. Đồng thời xây dựng 6 quy trình công nghệ nuôi trồng cho 6 loại nấm triển vọng mới được tuyên chọn. Đề tài tiến hành khảo nghiệm sản xuất (khảo nghiệm diện rộng) và công bố lưu hành 12 chủng nấm thuộc 6 loài nấm triển vọng. Và xây dựng 12 mô hình sản xuất cho 12 giống nấm mới thuộc 6 loại nấm tại các cơ sở sản xuất trên cả nước cho chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn đưa vào sản xuất trên cả nước cho chất lượng giống tốt, đạt tiêu chuẩn đưa vào sản xuất nấm thương phẩm, cho hiệu quả kinh tế cao với quy mô > 20 tấn giống/mô hình/năm.

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20226216-19/GGN 21-11-068)