Nghiên cứu chọn tạo giống ớt, dưa leo và khổ qua lai F1 cho các tỉnh phía Nam
17/10/18 10:43AM
Trồng trọt

Tên đề tài: Nghiên cứu chọn tạo giống ớt, dưa leo và khổ qua lai F1 cho các tỉnh phía Nam

Tổ chức chủ trì: Viện Cây ăn quả miền Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: ThS. Trần Kim Cương

Các cá nhân tham gia đề tài: KS. Nguyễn Ngọc Vũ, KS. Huỳnh Thị Phương Liên, KS. Nguyễn Viết Thanh, KS. Huỳnh Vũ Sơn, KS. Nguyễn Thị Thúy Đua, KS. Lê Ánh Như Quỳnh, ThS. Nguyễn Thị Thúy Bình, KS. Lê Thị Vân, ThS. Lê Văn Luy, TS. Ngô Thị Hạnh, ThS. Phạm Thị Minh Huệ

Thời gian thực hiện: 1/2012-6/2017

Kinh phí thực hiện: 3.800 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 833/QĐ-BNN-KHCN ngày 09 tháng 03 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Ngày phê duyệt: ngày 20 tháng 3 năm 2018 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Đề tài đã đã tạo được 5 giống lai F1 mới bao gồm:

- Giống ớt chỉ thiên LĐ 14 (OT3xOT15) cho năng suất 31,7 tấn/ha, chống chịu bệnh thán thư, quả chín màu đỏ đậm, quả suông đẹp, thịt quả dày 1,8 mm, chắc, vị rất cay, hàm lượng chất khô cao 26,7%, có thể phổ biến ra sản xuất tại vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ.

- Giống ớt chỉ thiên BDC-01 (Bay Lý Sơn x Chỉ thiên quả dài) sinh trưởng mạnh, năng suất 21,8 tấn/ha, chống chịu bệnh thán thư, đặc điểm quả phù hợp yêu cầu thị trường, có thể phổ biến ra sản xuất tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.

- Giống dưa leo MĐ06 cho năng suất 48,4 tấn/ha, chống chịu bệnh phấn trắng, quả suông, vỏ xanh, gai trắng, thịt quả chắc, ngọt, giòn, không đắng, thích hợp với ăn tươi. Giống có thể phổ biến ra sản xuất tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

- Giống khổ qua LĐ15 (K32 x K1) cho năng suất 38,4 tấn/ha, chống chịu bệnh đốm lá, quả dạng thuôn, màu xanh bóng, gai nở, khối lượng 136g, thịt quả dày 1,1cm thích hợp thị hiếu người tiêu dùng. Giống có thể phổ biến ra sản xuất tại vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ.

- Giống khổ quan GL1-13 (TL26 x VL12) cho năng suất cao và ổn định từ 43,8-50,4 tấn/ha, chống chịu bệnh đốm lá, quả thuôn dài, khối lượng 150g, thịt quả dày 1,1cm , gai nở, màu xanh. Giống có thể phổ biến ra sản xuất tại các tỉnh phía Bắc và các tỉnh phía Nam Trung Bộ.

Quy trình kỹ thuật canh tác và quy trình sản xuất hạt lai cho mỗi giống mới được xây dựng từ kết quả nghiên cứu và thực tế sản xuất. Ngoài ra, đề tài còn tạo được 5 tổ hợp lai có nhiều ưu điểm vượt trội về năng suất và phẩm chất quả, bao gồm 1 tổ hợp lai ớt chỉ thiên (Bay Lý Sơn x Bay Thái Lan) được chọn là giống khảo nghiệm sản xuất cho vùng sinh thái duyên hải Nam Trung Bộ; 1 tổ hợp lai ớt chỉ thiên (OT33xOT3), 2 tổ hợp lai dưa leo (CP1xR4) và (O4xC10), 1 tổ hợp lai khổ qua (K32xK11) được chọn là giống khảo nghiệm sản xuất cho các tỉnh phía Nam.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-DT20185427)