Nghiên cứu chọn tạo giống và biện pháp kỹ thuật trồng ngô trên đất lúa chuyển đổi tại vùng đồng bằng sông Cửu Long
03/08/20 02:04PM
Trồng trọt

Tên đề tài: Nghiên cứu chọn tạo giống và biện pháp kỹ thuật trồng ngô trên đất lúa chuyển đổi tại vùng đồng bằng sông Cửu Long

Tổ chức chủ trì: Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Lê Quý Kha

Các cá nhân tham gia đề tài: Trần Kim Định, Phạm Thị Phương Lan, Hồ Cao Việt, Trương Vĩnh Hải, Phạm Văn Ngọc, Lê Thị Đào, Nguyễn Đức Thành, Châu Ngọc Lý, Đặng Ngọc Hạ.

Thời gian thực hiện: 1/2014-12/2019

Kinh phí thực hiện: 8.000 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 497/QĐ-BNN-KHCN ngày 19 tháng 2 năm 2020 cỉa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Ngày nghiệm thu: Ngày 07 tháng 3 năm 2020 tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

Kết quả nghiên cứu:

            Đề tài tuyển chọn được 9 giống ngô lai triển vọng: LCH94, DTC6869, MN585, Max7379, CNC123, CNC366, NL13-1, SSC474, SSC443. Kết quả tạo dòng thuần theo phương pháp truyền thống đã chọn được 4 dòng đời S8 có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, sạch bệnh, năng suất đều vượt 3,5 tấn/ha và bốn dòng đời S9 đạt năng suất > 3,5 tấn/ha, trong đó có 2 dòng đạt năng suất cao nhất là VL1, VL5. Nghiên cứu duy trì được 249 dòng thuần đời từ phối cao (S9-S10), nhiều dòng có đặc điểm nông học, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, trong đó 6 dòng đã trực tiếp tham gia chọn tạo các giống lai.

            Qua 5 năm từ 2014-2018, đề tài đã tiến hành lai tạo và khảo sát tổng số 3.864 tổ hợp lai chọn ra các tổ hơp lai có năng suất cao, trạng thái bắp đẹp, chống chịu sâu bệnh, độ bền lá,... Kết quả so sánh tổ hợp thu được 04 tổ hợp lai năm 2014, 02 tổ hợp lai năm 2015, 02 tổ hợp lai năm 2016, 03 tổ hơp lai năm 2017 và 05 tổ hợp lai năm 2018. Khảo nghiệm DUS được 1 giống MN585 và khảo nghiệm sản xuất 2 giống: MN585, Max7379.

Kết quả nghiên cứu xây dựng quy trình canh tác ngô trên đất lúa chuyển đổi vùng đồng bằng sông Cửu Long: xác định vụ Xuân Hè (có mưa cuối vụ) thì làm đất và đào rãnh là biện pháp bắt buộc; vụ Đông Xuân đào rãnh thuận lợi cho tưới tiêu nước tốt hơn, cho năng suất cao hơn so với không đào rãnh, tuy nhiên có thể không cần làm đất, chỉ cần đào rãnh và gieo thẳng hạt ngô trên luống cao; mật độ gieo trồng thích hợp 7,1 vạn cây/ha (70 x 20 cm), những giống lá đứng có thể gieo tới 8,4 vạn cây/ha (70x17cm); vụ Động Xuân bón (kg/ha) 200N:90P2O5:90K2O (2,2:1:1), vụ Xuân Hè bón 220-230N:90P2O5:90K2O (2,4:2,5:1:1), bón thêm ABI-BB. Kết quả xây dựng mô hình MN585 cho thấy trồng ngô tại đồng bằng sông Cửu Long cần điều tiết được tưới tiêu, không nhờ hoàn toàn nước trời.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20205859)