Nghiên cứu đề xuất chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất nhằm sản xuất hàng hóa quy mô lớn trong nông nghiệp ở Việt Nam
09/08/19 09:10AM
Chính sách nông nghiệp

Tên đề tài: Nghiên cứu đề xuất chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất nhằm sản xuất hàng hóa quy mô lớn trong nông nghiệp ở Việt Nam

Tổ chức chủ trì: Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn

Các cá nhân tham gia đề tài: TS. Trương Thị Thu Trang, TS. Hoàng Xuân Phương, TS. Thái Thị Quỳnh Như, ThS. Nguyễn Lệ Hoa, ThS. Nguyễn Văn Tiến, TS. Nguyễn Văn Cương, ThS. Nguyễn Thị Thủy, ThS. Phan Thị Thu Hà, CN. Nguyễn Chí Trung

Thời gian thực hiện: 1/2017-12/2018

Kinh phí thực hiện: 1.800 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định 565/QĐ-BNN-TCTL ngày 19 tháng 02 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Ngày phê duyệt: ngày 26 tháng 02 năm 2019 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Qua khảo sát đánh giá của nhóm nghiên cứu, những năm qua để tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là thúc đẩy hàng hóa sản xuất quy mô lớn nhằm nâng cao hiệu quả, đã có rất nhiều chính sách được ban hành tiêu biểu như Luật Đất đai, các chính sách tài chính về đất nông nghiệp, về chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, khuyến khích sản xuất hàng hóa quy mô lớn, về cơ sở hạ tầng cho sản xuất, về thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, thu hồi bồi thường đất, chuyển dịch lao động, an ninh lương thực,… Những quy định và hỗ trợ của các chính sách này đã giúp cho cá tác nhân tham gia sản xuất nông nghiệp tiếp cận và tích tụ tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp nhiều hơn, đem lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Thực tế triển khai chính sách còn khá nhiều vướng mắc. Luật Đất đai 2013 vẫn còn duy trì những điểm hạn chế liên quan đến hạn điền, thời gian, cách thức, đối tượng giao đất…Chất lượng quy hoạch thấp, thiếu đồng bộ trong sử dụng đất cũng như chưa đầy đủ căn cứ pháp lý thể hiện ở việc các quy hoạch phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần; thiếu tính khả thi, không đảm bảo nguồn lực đất đai để thực hiện. Công tác tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi được phê duyệt chưa quyết liệt, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch củ một số địa phương chưa nghiêm dẫn đến tình trạng sử dụng đất không theo quy hoạch.

Về khuyến khích trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp, hiện chưa chính sách riêng để hình thành các khu trang trại tập trung, hỗ trợ ổn định sản xuất, tăng cường năng lực về cơ sở vật chất, nhân lực, tăng cường áp dụng khoa học và công nghệ… Công tác quy hoạch tổng thể các dịch vụ và cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa có. Về hỗ trợ lao động nông nghiệp nông thôn chuyển sang ngành nghề khác ngoài nông nghiệp, các chính sách còn bất cập.

Từ việc xây dựng các mô hình thí điểm và khảo sát thực địa, nhóm nghiên cứu nhận thấy các hình thức tập trung đất thông qua việc doanh nghiệp, hợp tác xã thuê đất của nông dân đã đạt một số kết quả nhất định, góp phần vào việc tập trung đất cho sản xuất quy mô lớn hiệu quả hơn. Kinh nghiệm từ các mô hình thí điểm cho thấy việc giao khoán/cho thuê đấ với diện tích lớn để sản xuất sẽ tạo điều kiện hình thành các điển hình về sản xuất tập trung, quy mô lớn có hiệu quả, làm cơ sở thu hút các hộ gia đình cá thể tham gia góp đất và sản xấu theo phong trào.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-DT20195546-48)