Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị cá ngừ đại dương khai thác ở vùng biển miền Trung
29/05/20 09:53AM
Thủy sản

Tên đề tài: Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị cá ngừ đại dương khai thác ở vùng biển miền Trung

Tổ chức chủ trì: Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Cao Lệ Quyên

Các cá nhân tham gia đề tài: ThS. Trịnh Quang Tú, ThS. Nguyễn Tiến Hưng, ThS.Nguyễn Quý Dương, ThS. Hoàng Văn Cường, ThS. Đặng Văn Cường, ThS.Trần Văn Hào, TS. Phan Thị Ngọc Diệp, ThS. Nguyễn Thị Thu, KS. Đinh Xuân Lập, ThS. Nguyễn Sanh Ngọc, KS. Huỳnh Văn Thảo, ThS. Lữ Thanh Phong, ThS. Lê Thị Thu Hương, ThS. Cao Tất Đạt, CN. Đặng Thị Tuyết Mai

Thời gian thực hiện: 01/2017-12/2018

Kinh phí thực hiện: 2.000 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 1664/QĐ-BNN-TCTS ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Ngày nghiệm thu: ngày 17 tháng 5 năm 2019 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Kết quả nghiên cứu chuỗi giá trị cá ngừ đại dương khai thác ở vùng biển miền Trung của Việt Nam cho thấy ngành hàng cá ngừ hiện nay được tổ chức dưới 02 dạng chuỗi: (i) Chuỗi có tham gia của tác nhân trung gian với 03 mắt xích chính: (1) Khâu sản xuất sơ cấp (khai thác cá ngừ), bao gồm ngư dân/tổ đội khai thác cá ngừ đại dương; (2) Khâu trung gian, gồm các nậu vựa thu mua cá ngừ khai thác và cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; và (3) Khâu chế biến và thương mại, gồm các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ. Trong đó, nậu vựa hiện đóng vai trò trung gian quan trọng trong chuỗi giá trị cá ngừ, tạo mối liên kết giữa ngư dân và doanh nghiệp trong thu mua và cung ứng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu (80% lượng cá ngừ đại dương khai thác). Đây cũng chính là nhà cung cấp các đầu vào cho ngư dân khai thác (lưới, ngư cụ…); (ii) Chuỗi không có sự tham gia của tác nhân trung gian. Với chuỗi này, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trực tiếp thu mua của các tổ đội khai thác (20% lượng cá ngừ đại dương) để xuất khẩu nguyên con hoặc chế biến xuất khẩu.

Phân tích kinh tế chuỗi giá trị cá ngừ vằn và chuỗi giá trị cá ngừ vây vàng/mắt to (tính trên 1kg nguyên liệu) cho thấy nhóm tác nhân ngư dân tạo ra giá trị gia tăng và lợi nhuận cao nhất trong chuỗi (tính trên 1kg nguyên liệu), song tính bình quân mức lợi nhuận được hưởng của mỗi tác nhân trong nhóm này lại thấp do quy mô sản xuất nhỏ với sự tham gia của nhiều ngư dân khai thác. Thiếu sự hợp tác/liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị. Kết quả phân tích nhân tố chỉ ra 03 yêu tố quan trọng có ảnh hưởng đến liên kết giữa ngư dân với thương lái ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa là danh tiếng của thương lái/nậu vựa, sự phụ thuộc tài chính của ngư dân vào nậu vựa và sự tin tưởng vào giá cả của ngư dân với nậu vựa.

Kết quả triển khai thực hiện mô hình liên kết chuỗi giá trị trên cơ sở áp dụng một số giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị cá ngừ đại dương trong khuôn khổ đề tài cho thấy kết quả đạt được bước đầu đã góp phần vào tăng cường và củng cố các liên kết chuỗi trong khuôn khổ Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi). Quá trình thực hiện mô hình liên kết chuỗi giá trị cũng cho thấy các mô hình chuỗi liên kết thử nghiệm ở quy mô nhỏ và thời gian thực hiện ngắn nên các hoạt động triển khai và kết quả tác động còn hạn chế.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20195794)