Nghiên cứu hội chứng gan tụy trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng ở đồng bằng sông Cửu Long
16/01/19 08:25AM
Thủy sản

Tên đề tài: Nghiên cứu hội chứng gan tụy trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng ở đồng bằng sông Cửu Long

Thuộc chương trình phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020 

Tổ chức chủ trì: Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III 

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 

Chủ nhiệm đề tài: TS. Võ Văn Nha 

Các cá nhân tham gia đề tài: KS. Võ Thị Dung, ThS. Nguyễn Hữu Hùng, ThS. Trần Thị Hương, TS. Võ Thế Dũng, ThS. Võ Hoàng Ánh, KS. Nguyễn Thị Chi, KS. Võ Văn Tân, KS. Nguyễn Ngọc Anh, ThS. Võ Thị Ngọc Trâm

Thời gian thực hiện: 01/2012-3/2014

 

Kết quả nghiên cứu:

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tôm mắc hội chứng gan tụy có biểu hiện không rõ ràng ở giai đoạn tiền phát, chết đáy nhanh với số lượng nhiều trong 2-3 ngày phát bệnh, gan tụy sưng, nhũn hoặc teo, dai, chai cứng và nhạt màu. Tôm có màu sắc nhợt nhạt, ruột không có thức ăn hay có thức ăn bị gián đoạn. Tổ chức mô gan tụy mất đi cấu trúc bình thường, tế bào biểu mô ống gan tụy suy thoái, thành ống gan tụy co lại, tách khỏi màng nền ống gan tụy, thành trong ống gan tụy bị kết dính, mất đi cấu trúc hình sao đặc trưng của tế bào ống gan tụy tôm, ống gan tụy hoại tử, với sự bao vây của các tế bào máu xung quanh vùng hoại tử.

Đề tài xác định tác nhân gây hội chứng gan tụy tôm sú, tôm thẻ chân trắng không phải là độc chất từ đáy ao nuôi, tảo độc trong nước hay do các yếu tố vô sinh mà là do các yếu tố sinh học, là vi khuẩn thuộc nhóm Vibrio đặc biệt là 3 loài V. alginolyticus, V. parahaemolyticus, V. vulnificus. Ngưỡng gây chết đối với hậu ấu trùng tôm sú, tôm thẻ chân trắng đối với nhóm Vibrio từ 1,47-5,51x102 cfu/ml. Nguyên nhân lây nhiễm Vibrio trong trại sản xuất giống các tỉnh miền Trung là do từ dụng cụ sử dụng trong quá trình sản xuất, từ sử dụng chế phẩm sinh học kém chất lượng, từ xử lý nước không đúng quy trình kỹ thuật và từ nguồn tôm nuôi có “sự cố” do những nguyên nhân khác gây chết tôm.

Giải pháp kiểm soát Vibrio, phage trong sản xuất giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng có hiệu quả là: hệ thống xử lý nước trước khi đưa vào sản xuất giống cần phải được trang bị đúng tiêu chuẩn và thường xuyên vệ sinh bằng hóa chất sát trùng (Clorin, formol,…); nước trước khi đưa vào sản xuất giống cần phải được xử lý cơ học, hóa học và phải được kiểm tra các vi khuẩn Vibrio trước khi đưa vào sử dụng; kiểm soát được hệ vi sinh trong quá trình sản xuất giống, duy trì mật độ của các vi khuẩn có lợi để kiểm soát vi khuẩn Vibrio gây bệnh. Xây dựng thành công mô hình nuôi tôm chân trắng hạn chế thay nước hướng đến kiểm soát các yếu tố đầu vào nhằm giảm thiểu rủi ro nhiễm bệnh với tỷ lệ sống ở tôm nuôi sau hơn 75 ngày nuôi đạt 86,0-90,6%, năng suất đạt hơn 10 tấn/ha và tôm không bị nhiễm bệnh.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-hoi chung gan tuy.pdf)