Nghiên cứu mô hình và giải pháp thúc đẩy xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên
09/08/19 08:54AM
Thủy lợi

Tên đề tài: Nghiên cứu mô hình và giải pháp thúc đẩy xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên

Tổ chức chủ trì: Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: PGS. TS. Trần Chí Trung

Các cá nhân tham gia đề tài: ThS. Nguyễn Xuân Thịnh, TS. Đặng Ngọc Hạnh, ThS. Đặng Minh Tuyến, ThS. Võ Thị Kim Dung, ThS. Đào Thị Hà Thanh, ThS. Trần Việt Dũng, ThS. Nguyễn Văn Kiên, ThS. Phạm Duy Anh Tuấn, ThS. Nguyễn Mạnh Hà

Thời gian thực hiện: 2016-2018

Kinh phí thực hiện:  2.450 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định 4890/QĐ-BNN-TCTL ngày 13 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Ngày phê duyệt: ngày 24 tháng 12 năm 2018 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

            Từ nhu cầu thực tiễn về xây dựng, nâng cấp hồ đập nhỏ để nâng cao hiệu quả phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, trong những năm gần đây đã hình thành một số mô hình xã hội hóa đầu tư xây dựng hồ đập nhỏ mang tính tự phát ở miền núi phía Bắc. Vùng miền núi phía Bắc hiện nay có 5.142 tổ chức thủy lợi cơ sở, trong đó loại hình tổ chức quản lý tương đối đa dạng bao gồm hợp tác xã, tổ hợp tác, ban quản lý thủy nông. Vùng Tây Nguyên có 1.022 tổ chức thủy lợi cơ sở bao gồm các loại hình hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác.

Trên cơ sở phân tích cơ sở khoa học và thực tiễn thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý khai thác hồ đập nhỏ, đề tài đã đề xuất 5 mô hình xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập nhỏ cho vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, bao gồm: Mô hình cộng động đầu tư xây dựng ao hồ nhỏ; Mô hình doanh nghiệp đầu tư công trình hồ chứa nhỏ; Mô hình Nhà nước hỗ trợ đầu tư, cộng đồng tham gia đóng góp xây dựng hồ đập nhỏ; Mô hình tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý khai thác công trình thủy lợi nhỏ, trong đó có công trình hồ đập nhỏ; và Mô hình cá nhân quản lý hồ đập nhỏ. Các mô hình này huy động được nguồn lực của các thành phần kinh tế, bao gồm doanh nghiệp, tổ chức thủy lợi cơ sở thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng quản lý khai thác công trình hồ đập nhỏ.

Đề tài đã xây dựng mô hình HTX quản lý công trình thủy lợi, trong đó có hồ đập nhỏ tại xã Liên Vũ, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đại diện cho vùng miền núi phía Bắc và mô hình Tổ hợp tác dùng nước, mô hình cá nhân quản lý hồ đập nhỏ cũng quản lý hồ đập nhỏ tại xã Hà Tam tỉnh Gia Lai đại diện cho vùng Tây Nguyên. Các mô hình này đã phát huy sự tham gia, nâng cao tình thần trách nhiệm của người sử dụng nước thực hiện hiệu quả công tác quản lý khai thác hồ đập nhỏ.

Đề tài đã đề xuất một số cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hồ đập nhỏ vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Đồng thời đã đề xuất một số cơ chế chính sách thành lập củng cố, hỗ trợ hoạt động của tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, trong đó có hồ đập nhỏ.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-DT20195540-45)