Nghiên cứu nguyên nhân nhiễm Cd và Hg trên sò lông (Anadara Subcrenata), điệp (Mimachilamys Nobilis) và nghêu lụa (Paphia Undulata) trong vùng thu hoạch trọng điểm và giải pháp phòng ngừa
17/10/18 10:46AM
Thủy sản

Tên đề tài: Nghiên cứu nguyên nhân nhiễm Cd và Hg trên sò lông (Anadara Subcrenata), điệp (Mimachilamys Nobilis) và nghêu lụa (Paphia Undulata) trong vùng thu hoạch trọng điểm và giải pháp phòng ngừa

Tổ chức chủ trì: Viện Nghiên cứu Hải sản

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Công Thành

Các cá nhân tham gia đề tài: ThS. Trương Văn Tuân, ThS. Nguyễn Xuân Phúc, KS. Đỗ Thị Tuyết, ThS. Lê Tuấn Sơn, ThS. Trần Quang Thư, TS. Nguyễn Quang Hùng, ThS. Cao Văn Hùng, TS. Lê Quang Dũng, CN. Lưu Ngọc Thiện

Thời gian thực hiện: 1/2013-6/2016

Kinh phí thực hiện: 2.980 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 4047/QĐ-BNN-KHCN ngày 04 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Ngày phê duyệt: ngày 25 tháng 10 năm 2016 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Chất lượng môi trường nước, trầm tích, trầm tích lơ lửng và sinh vật phù du vùng thu hoạch Quảng Ninh, Bình Thuận, Kiên Giang thể hiện rõ phân bố theo mùa, hàm lượng Cd, Hg các tháng mùa mưa cao hơn các tháng mùa khô, đặc trưng của vùng biển ven bờ. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch hàm lượng Cd, Hg giữa hai mùa không lớn. Hàm lượng Cd, Hg trong môi trường nước và trầm tích thấp hơn giới hạn cho phép. Biên độ hàm lượng Cd, Hg trong trầm tích lơ lửng và sinh vật phù du tăng dần từ trong sông ra cửa sông và vùng thu hoạch, thể hiện xu thế ngược lại với ion hoàn tan trong môi trường nước.

Mức độ tích tụ kim loại Cd trong nghêu lụa, sò lông và điệp quạt thể hiện rõ và cao hơn Hg. Mức độ tích tụ Cd trong điệp quạt cao nhất tiếp đến là sò lông và thấp nhất là nghêu lụa. Theo bộ phận cơ thể, mức độ tích tụ Cd, Hg theo thứ tự sau: dạ dày > màng áo > mang > chân > cồi (đối với điệp quạt). Theo vùng thu hoạch, nghêu lụa và sò lông ở vùng thu hoạch tỉnh Bình Thuận nhiễm Cd cao nhất, tiếp đến là vùng Kiên Giang và thấp nhất là vùng Vân Đồn-Quảng Ninh, tương ứng vởi chỉ số RAC.

Kết quả thí nghiệm ghi nhận sự tích tụ Cd, Hg dạng ion trong môi trường nước ở nồng độ 5 µg/l đối với điệp quạt và 10 µg/l đối với nghêu lụa và sò lông. Từ kết quả hàm lượng Cd, Hg ở hiện trạng vùng thu hoạch và kết quả của các lô thí nghiệm tích tụ cho thấy, nguồn và nguyên nhân nhiễm Cd trên sò lông, điệp và nghêu lụa chủ yếu từ nguồn thức ăn là trầm tích lơ lửng và sinh vật phù du.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-DT20185428-29)