Nghiên cứu sản xuất bón phân hòa tan hàm lượng cao sử dụng qua hệ thống tưới tiết kiệm cho một số cây trồng cạn
04/09/20 01:43PM
Trồng trọt

Tên đề tài: Nghiên cứu sản xuất bón phân hòa tan hàm lượng cao sử dụng qua hệ thống tưới tiết kiệm cho một số cây trồng cạn

Tổ chức chủ trì: Viện Thổ nhưỡng Nông hóa

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Quang Hải

Các cá nhân tham gia đề tài: TS. Nguyễn Duy Phương, TS. Bùi Công Kiên, ThS. Phạm Vũ Bảo, KS. Vũ Đình Hoàn, ThS. Lương Thị Loan, ThS. Phạm Thị Nhung, ThS. Nguyễn Đức Dũng; ThS. Nguyễn Thị Thu Hoài, KS. Ngô Ngọc Ninh

Thời gian thực hiện: 01/2016-12/2019

Kinh phí thực hiện: 5.600 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 1180/QĐ-BNN-KHCN ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Ngày nghiệm thu: Ngày 22 tháng 5 năm 2020 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

            Hiện trạng sử dụng phân bón cho các loại cây trồng của người dân ở các địa phương nơi đề tài triển khai là rất khác nhau giữa các hộ dân. Hiện trạng sử dụng nước tưới cho các cây trồng cũng khác nhau. Ứng dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm có thể giảm được 50 % lượng nước tưới cho cây cà chua, 80% lượng nước tưới cho cây thanh long và 60 % lượng nước tưới cho cây hồ tiêu. Đề tài đã tạo ra được 13 công thức phân bón hỗn hợp NPK hòa tan, tổng hàm lượng các chất dinh dưỡng đa lượng từ 50-60%, hòa tan hoàn toàn trong nước, không có lắng cặn, sử dụng được qua hệ thống tưới nước tiết kiệm.

Ở quy mô sản xuất nhỏ, đề tài đã sản xuất được 5,6 tấn phân bón hỗn hợp NPK hòa tan phục vụ cho nghiên cứu thí nghiệm đồng ruộng và mô hình trình diễn cho các cây trong phạm vi đề tài trên các vùng sinh thái khác nhau. Đề tài đã hoàn thành quy trình công nghệ sản xuất phân bón hỗn hợp NPK hòa tan sử dụng cho hệ thống tưới tiết kiệm, được công nhận là tiến bộ kỹ thuật, có thể chuyển giao cho các doanh nghiệp để đưa vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đề tài đã sử dụng phân bón NPK hòa tan qua hệ thống tưới nước tiết kiệm cho mô hình cây cà chua tại Sơn La, cây thanh long tại Bình Thuận và cây hồ tiêu tại Gia Lai đều cho năng suất và hiệu quả kinh tế tăng cao hơn so với thực tế sản xuất của nông dân. Cụ thể, năng suất cà chua tăng 22,8%, hiệu quả kinh tế tăng 77,98 triệu đồng/ha; năng suất thanh long tăng 22,2% và hiệu quả kinh tế tăng 112,8 triệu đồng/ha; năng suất hồ tiêu tăng 20,5% và hiệu quả kinh tế tăng 35.63 triệu đồng/ha.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20205884-85)