Nghiên cứu sử dụng nguyên liệu hữu cơ, phân bón hữu cơ nhằm nâng cao hiệu quả của sản xuất một số loại rau, quả ở các tỉnh phía Bắc
22/08/22 11:33AM
Chủ đề: Trồng trọt

Tên đề tài: Nghiên cứu sử dụng nguyên liệu hữu cơ, phân bón hữu cơ nhằm nâng cao hiệu quả của sản xuất một số loại rau, quả ở các tỉnh phía Bắc

Thuộc Chương trình Khoa học công nghệ trọng điểm cấp Bộ

Tổ chức chủ trì: Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: GS.TS. Phạm Văn Cường

Các cá nhân tham gia đề tài: PGS.TS. Trần Thị Minh Hằng; TS. Đoàn Văn Lư; TS. Vũ Thanh Hải; PGS.TS. Tăng Thị Hạnh; PGS.TS. Nguyễn Thị Minh; TS. Nguyễn Thu Hà; PGS.TS. Trần Thị Lan Hương; ThS. Bùi Ngọc Tấn; TS. Nguyễn Thu Hà; TS. Võ Hữu Công; TS. Nguyễn Thị Ái Nghĩa;

Thời gian thực hiện: 2017-2021

Kinh phí thực hiện: 8.500 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 3248/QĐ-BNN-KHCN ngày 21 tháng 07 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Nghiệm thu: ngày 22 tháng 10 năm 2021 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Đề tài đã khảo sát số liệu thứ cấp về nguồn phát thải nguyên liệu hữu cơ, hiện trạng sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý phụ phẩm trồng trọt và chất thải chăn nuôi làm phân hữu cơ, hiện trạng sử dụng phân hữu cơ cho sản xuất rau tại 4 tỉnh (Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên) và sản xuất cam tại 3 tỉnh (Hà Giang, Hòa Bình, Nghệ An). Nghiên cứu đã đánh giá hoạt lực các chế phẩm đã lựa chọn 2 chế phẩm là Emina và SagiBio có hiệu quả xử lý tốt nhất đối với phụ phẩm trồng trọt, cheesphamar EMUNIV và chế phẩm BioMT là tốt nhất cho xử lý chất thải chăn nuôi. Nghiên cứu chế tạo các chế phẩm mới gồm: chế phẩm xử lý phụ phẩm trồng trọt Compost marker-Bio 02, chế phẩm xử lý chất thải chăn nuôi-VNUA-MiosV.

Nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình sử dụng phân hữu cơ cho rau an toàn, rau hữu và cam. Đối với rau an toàn sử dụng phân hữu cơ vi sinh (HCVS) thay thế 25, 50 và 75% phân vô cơ, và sử dụng phân chuồng ủ từ nguyên liệu hữu cơ 80% chất thải chăn nuôi lợn + 20% phụ phẩm trồng rau) bằng chế phẩm VNUA-MiosV thay thế 50% phân vô cơ so với công thức đối chứng (100% phân vô cơ) cho sản xuất an toàn 6 loại rau (Cà chua- Rau muống-Cải bắp; Dưa chuột- Mồng tơi- Củ cải) trong cơ cấu 3vụ /năm (Đông xuân- Hè-Thu vụ Đông) liên tục trong 2 năm tại Xã Dân chủ- TP.Hòa Bình-Hòa Bình, Xã Văn Đức Gia Lâm-Hà Nội, xã Trung Nghĩa- TP. Hưng Yên- Hưng Yên và Xã Nhân Nghĩa- Lý Nhân-Hà Nam.

Đối với rau hữu cơ, sử dụng phân chuồng ủ từ chất thải chăn nuôi lợn bằng chế phẩm VNUA-MiosV với lượng bón (10, 12, 14 và 16 tấn/ha/vụ) so với công thức đối chứng phân chuồng ủ bằng chế phẩm EMUNIV (12 tấn/ha/vụ) cho sản xuất 6 loại rau trong cơ cấu 3 vụ rau/năm tương tự rau an toàn trong 2 năm tại Cư Yên- Lương SơnHòa Bình; sử dụng phân chuồng ủ từ phụ phẩm trồng trọt bằng chế phẩm Compost maker-Bio 02 (10, 12, 14 và 16 tấn/ha/vụ) so với đối chứng ủ bằng chế phẩm EMINA (12 tấn/ha/vụ) cho sản xuất 6 loại rau trong 2 năm liên tục tại Thanh Xuân- Sóc SơnHà Nội. Tiến hành theo dõi các chỉ tiêu về sinh trưởng, sâu bệnh hại chính năng suất, chất lượng rau, chất lượng đất và hiệu quả kinh tế.

Đối với cây cam, sử dụng phân hữu cơ vi sinh thay thế 25, 50 và 75% phân vô cơ; và sử dụng phân chuồng ủ từ chất thải chăn nuôi bò/gà bằng chế phẩm VNUA-Mios V thay thế 50% phân vô cơ so với công thức dùng 100% phân vô cơ cho cây cam ở thời kỳ sinh doanh trong 3 năm liên tục với giống cam Sành tại xã Vĩnh Hảo-Bắc Quang Hà Giang, giống cam CS1 tại xã Thu Phong-Cao Phong-Hòa Bình và giống cam V2 tại xã Vĩnh Lợi-Quỳ Hợp-Nghệ An. Tiến hành theo dõi các chỉ tiêu về sinh trưởng, sâu bệnh, năng suất và chất lượng cam cũng như tính chất đất trồng cam sau mỗi năm, đánh giá hiệu quả kinh tế của sử dụng phân hữu cơ

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20226224/GGN 21-12-071)