Nghiên cứu tạo vật liệu ban đầu phục vụ chọn giống tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) kháng bệnh đốm trắng (WSSV)
07/11/22 10:27AM
Chủ đề: Thủy sản

Tên đề tài: Nghiên cứu tạo vật liệu ban đầu phục vụ chọn giống tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) kháng bệnh đốm trắng (WSSV)

Tổ chức chủ trì: Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Hữu Hùng

Các cá nhân tham gia đề tài: PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, ThS. Nguyễn Thị Hương, TS. Nguyễn Thị Kim Liên, TS. Nguyễn Thị Thanh Ngân, PGS.TS. Võ Văn Nha, ThS. Võ Thị Ngọc Trâm, ThS. Nguyễn Ngọc Quỳnh, ThS. Đinh Công Trứ, ThS. Vũ Đình Tý

Thời gian thực hiện: 2017-2019

Kinh phí thực hiện: 8.000 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 3398/QĐ-BNN-KHCN ngày 27 tháng 8 năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Nghiệm thu: ngày 04 tháng 10 năm 2020 tại Hà Nội

Kết quả nghiên cứu:

Nghiên cứu cảm nhiễm virút đốm trắng (WSSV) trên tôm thẻ chân trắng trong điều kiện thí nghiệm đã xác định được nhiệt độ 27 ± 1°C, kích cỡ 2-3 g/con và nồng độ 2x104 copies WSSV/ml thích hợp cảm nhiễm WSSV bằng phương pháp ngâm ở điều kiện môi trường thí nghiệm được duy trì trong khoảng pH từ 8,0-8,2; độ mặn từ 26-28 ‰. Kết quả nghiên cứu cho thấy biến dị di truyền của tính trạng kháng bệnh WSSV trên quần đàn tôm thẻ chân trắng chỉ ra rằng nâng cao hệ số di truyền đối với tính trạng này có thể đạt được thông qua chọn lọc. Hệ số di truyền tính trạng kháng bệnh WSSV thế hệ G0 giai đoạn 15 ngày thí nghiệm là 0,01±0,01; H2 thế hệ G1 là 0,19±0,02; H2 cho G0 và G1 là 0,27±0,01. Virút nhiễm tổng số trên tôm có tiềm năng được sử dụng làm tiêu chí chọn lọc để nâng cao khả năng kháng bệnh WSSV. Mặc dù vậy, việc chọn lọc gia đình nhiễm virút ở nồng độ thấp không thể bao hàm toàn bộ khả năng kháng bệnh WSSV vì mối tương quan di truyền của 2 tính trạng theo tỉ lệ nghịch và ở mức trung bình. Phương pháp cảm nhiễm truyền thống cho hiệu quả cải thiện khả năng kháng bệnh WSSV 12,9% qua mỗi thế hệ.

Tiến hành giải trình tự toàn bộ hệ gen của ba nhóm mẫu tôm, kết quả xác định SNP cho thấy nhóm tôm chân trắng có khả năng kháng bệnh đốm trắng cao nhất có 358 SNP, nhóm tôm bị bệnh đốm trắng có 227 SNP xảy ra trên các gen liên quan đến tính trạng kháng bệnh đốm trắng. Khuếch đại và giải trình tự 9 đoạn gen trên các gen ALF1, ALF2, AIF, BGB, CAL, HAE, RAB5, P53, TRAF6 liên quan đến tính kháng WSSV ở tôm thẻ chân trắng. Kết quả phân tích mối tương quan giữa tần suất kiểu gen và tính kháng bệnh đốm trắng cho thấy có thể sử dụng các SNP trên gen AIF, ALF1, HAE Rab5B làm chỉ thị trong chọn giống kháng bệnh đốm trắng ở tôm thẻ chân trắng.

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-(22-12-021))