Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp KHCN phòng chống hạn hán phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững ở các tỉnh miền Trung
10/01/19 10:08AM
Thủy lợi

Tên đề tài: Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp KHCN phòng chống hạn hán phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững ở các tỉnh miền Trung (mã số đề tài: ĐTĐL.2007G/30)

Tổ chức chủ trì: Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam 

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 

Chủ nhiệm đề tài: TS. Lê Trung Tuân 

Các cá nhân tham gia đề tài: PGS.TS. Hà Lương Thuần, GS.TS. Nguyễn Quang Kim, PGS.TS. Trần Viết Ổn, PGS.TS. Nguyễn Quang Trung, PGS.TS. Nguyễn Văn Tỉnh, PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương, TS. Mai Thế Hùng, ThS. Nguyễn Thị Kim Dung, TS. Lê Xuân Quang 

Thời gian thực hiện: 6/2007-8/2012

 

Kết quả nghiên cứu:

Đề tài xác định nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn hán tại các tỉnh miền Trung, bao gồm cả nguyên nhân tự nhiên và nguyên nhân do con người, trong đó những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hạn hán tại khu vực là: (1) nguồn nước đến không đủ; (2) biến đổi khí hậu dẫn đến tình hình khí tượng thuỷ văn qua một số năm gần đây không thuận lợi; (3) thông số thiết kế công trình không phù hợp; (4) công trình xuống cấp dẫn đến năng lực giảm, tổn thất lớn trên hệ thống phân phối nước làm cho công trình không đáp ứng được nhu cầu nước; (5) hạn chế trong công tác quản lý vận hành hồ chứa gây ra tình trạng phân phối nước lãng phí, không hợp lý; (6) cơ cấu mùa vụ, cây trồng, diện tích gieo cấy không linh hoạt bám sát với thực tế nguồn nước; (7) nhu cầu các hộ dùng nước gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây làm cho cạnh tranh giữa các nhu cầu dùng nước càng thêm gay gắt; (8) cơ chế chính sách trong quản lý nước và quản lý thuỷ lợi còn hạn chế, không khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm. Kết quả đã chỉ đặc điểm hạn hán tại khu vực miền Trung mang đầy đủ các loại hình. Với mỗi loại hình hạn hán cần có nhữn biện pháp phòng chống thích hợp, tuy nhiên, tuỳ thuộc vào từng mức độ hạn hán mà các biện pháp phòng chống hạn hán được sử dụng sẽ khác nhau. Giải pháp tổng thể phòng chống hạn hán phù hợp phải tương ứng với mức độ hạn hán và cần xét đến các đặc trưng của vùng có công trình thuỷ lợi và vùng chưa có công trình thuỷ lợi.

Qua hiệu quả hoạt động của mô hình thực nghiệm có thể đánh giá công nghệ của đề tài rất phù hợp với khu vực Nghĩa Đàn của tỉnh Nghệ An nói chung và vùng đất dốc nói riêng. Lợi ích của các biện pháp thu trữ nước và giữ ẩm bảo vệ đất đã được chứng minh rõ ràng qua kết quả thử nghiệm. Việc áp dụng thử nghiệm Hệ thống hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa (DSS-RO) do đề tài xây dựng trên cơ sở lập trình quy hoạch tuyến tính tại công trình Tân Giang đã chứng tỏ khả năng cải thiện công tác vận hành công trình trong điều kiện hạn hán của phần mềm này.

Các kết quả thí nghiệm chế độ tưới mà đề tài tổng kết hoặc trực tiếp đo đạc đã được phân tích đánh giá, có thể được sử dụng trong quy hoạch, thiết kế và vận hành các công trình tưới. Các kỹ thuật tưới tiết kiệm nước cho các loại cây trồng nghiên cứu (nho, thanh long, cỏ chăn nuôi, cam) đã giúp giảm nhu cầu tưới, hạn chế tình trạng thiếu nước và qua đó làm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- GP KHCN chong han.pdf)