Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm phục vụ và phát triển các hệ sinh thái nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng
15/10/18 09:19AM
Nông thôn

Tên đề tài: Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm phục vụ và phát triển các hệ sinh thái nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng

Tổ chức chủ trì: Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm dự án: PGS.TS. Hoàng Thái Đại

Các cá nhân tham gia: PGS.TS. Trần Đức Viên, TS. Nguyễn Thanh Lâm, PGS.TS. Nguyễn Tất Cảnh, TS. Lê Huỳnh Thanh Phương, ThS. Nguyễn Thức Thi, TS. Nguyễn Văn Phú, TS. Trần Danh Thìn, ThS. Kim Văn Vạn, PGS.TS. Đoàn Văn Điếm

Thời gian thực hiện: 6/2013-5/2016

Kinh phí thực hiện: 4.000 triệu đồng

Cấp phê duyệt: 3746/QĐ-BNN-TCLN ngày 19 tháng 09 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ngày phê duyệt: 28 tháng 11 năm 2017 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Đề tài đã tiến hành 7 cuộc điều tra tại 3 tỉnh Nam Định, Hà Nam và Vĩnh Phúc, nhằm đánh giá tổng quan về hệ sinh thái và hệ sinh thái nông nghiệp. Đề tài đã phân tích, đưa ra các quan điểm về suy thoái, về phục hồi và phát triển các hệ sinh thái nông nghiệp, các tiêu chí phân loại hệ sinh thái nông nghiệp.

Dựa trên đánh giá hiện trạng phân bổ không gian của các hệ sinh thái nông nghiệp, hiện trạng thành phần và tính chất của các hệ sinh thái nông nghiệp (đa dạng sinh học trong cây trồng, vật nuôi, sinh vật hoang dại…) vùng đồng bắng sông Hồng nói chung và các tỉnh Hà Nam, Nam Định và Vĩnh Phúc nói riêng, đề tài đã phân tích được các nguyên nhân suy thoái của các hệ sinh thái vùng đồng bằng sông Hồng và ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Vĩnh Phúc. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 2 nhóm nguyên nhân chủ yếu gây ra suy thoái các hệ sinh thái nông nghiệp: suy giảm đa dạng sinh học và độ phì nhiêu đất bị thoái hóa.

Dựa vào khung phương pháp phân vùng sinh thái nông nghiệp (FAO, 1996) với mô tả toàn diện về hệ sinh thái nông nghiệp trên cơ sở các yếu tố sinh thái như địa hình, khí hậu, đất đai, thủy văn và sử dụng đất, đề tài đã lập bản đồ các hệ sinh thái nông nghiệp tỷ lệ 1:250.000 cho vùng đồng bằng sông Hồng. Đề tài đánh giá 02 nhóm giải pháp phục hồi và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp đang được áp dụng tại địa bàn gồm: phục hồi sự đa dạng của hệ thống sinh học trên đồng ruộng nhờ bố trí hệ thống cây trồng hợp lý (luân canh, xen canh, tăng số lượng cây tồng trên cùng một cánh đồng), chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; và phục hồi độ phì nhiêu cho đất: tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân compost, trả lại tàn dư thực vật sau thu hoạch, bón phân cân đối (sử dụng phân N, P, K, NPK kết hợp theo khuyến cáo), trồng cây họ đậu (lạc, đậu tương). Qua đó, đề tài đã nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp phục hồi và phát triển một số hệ sinh thái nông nghiệp chủ yếu của vùng đồng bằng sông Hồng.

Trên cơ sở phương pháp luận về các giải pháp, tại 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Vĩnh Phúc, đề tài đã bố trí được 30 thí nghiệm về cấu cấu cây trồng, vật nuôi, về phục hồi dinh dưỡng đất nhằm kiểm chứng các giải pháp (bố trí hệ thống cây tồng, vật nuôi, tái sinh dòng vật chất để phục hồi độ phì nhiêu của đất). Trên cơ sở các kết quả thí nghiệm tại 3 tỉnh, đề tài đã triển khai mô hình ứng dụng các giải pháp  khoa học và công nghệ nhằm phục hồi và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp trên địa bàn nghiên cứu tại xã Hãi Châu và xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-DT20185354-55)