Nghiên cứu xây dựng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến trong sản xuất lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long
23/08/22 10:30AM
Chủ đề: Trồng trọt

Tên đề tài: Nghiên cứu xây dựng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến trong sản xuất lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Thuộc Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia đến năm 2020

Tổ chức chủ trì: Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Trần Ngọc Thạch

Các cá nhân tham gia đề tài: TS. Trịnh Quang Khương; TS. Nguyễn Thị Phong Lan; TS. Dương Hoàng Sơn; TS. Nguyễn Kim Thu; ThS. Trịnh Thanh Thảo; ThS. Lê Ngọc Phương; ThS. Trương Thị Kiều Liên; ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hân; TS. Nguyễn Thúy Kiều Tiên

Thời gian thực hiện: 2016-2020

Kinh phí thực hiện: 10.000 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 1762/QĐ-BNN-KHCN ngày 26 tháng 04 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Ngày nghiệm thu: ngày 24 tháng 10 năm 2021 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Đề tài đã hoàn thành 01 quy trình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến theo Quyết định số 155/ QĐ-TTCG-VP ngày 22/12/2020 của Cục Trồng trọt. Đồng thời  khuyến cáo nông dân Đồng bằng sông Cửu Long áp dụng gói kỹ thuật vào canh tác lúa trên cơ sở quy trình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, nâng cao lợi nhuận cho nông dân hơn 25% và khuyến cáo cày đất ở độ sâu 15-20cm, ít nhất mỗi năm cày 1 lần và bón vôi cải tạo đất phèn, bón lân nung chảy (đất mặn bón vôi, khi mặn dưới 1‰ xuống giống)

Xây dựng 09 mô hình ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, lượng giống giảm tương đương 50% so với trước đây. Mô hình ứng dụng gói kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến đã giảm được 80 kg lúa giống, giảm 18-20%N, 20-43% P2O5 và 25-66% K2O, giảm 3-6 lần phun thuốc bảo vệ thực vật (tương đương 30-50%) so với canh tác truyền thống của nông dân. Tưới nước tiết kiệm được bơm tưới 2-4 lần tương đương 30-35% trong vụ đông xuân, vụ hè thu tiết kiệm được 300.000đ/ha so với tập quán canh tác truyền thống.

Mô hình canh tác tiên tiến có tỷ lệ rụng ở thời điểm thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp (0,24%) thấp hơn so với canh tác của nông dân (0,4%). Thất thoát khi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp ở mô hình canh tác tiên tiến là 1,46% thấp hơn canh tác của nông dân (1,97%). Trong mô hình canh tác tiên tiến cho thấy máy gặt đập liên hợp cắt giữa thân lúa có tỷ lệ thất thoát thấp nhất 0,87% so với cắt sát gốc 1,56% và cắt phần bông lúa 1,97%.

Tốc độ phát thải khí CH4 và N2O sau khi thu hoạch lúa 1 tuần ở cả 3 vụ canh tác đều thấp hơn tốc độ phát thải khí CH4 và N2O trung bình trong suốt thời gian canh tác lúa trên cả hai mô hình. Các giá trị này lần lượt là 92,8-94,8% và 66,5-69,1% vụ đông xuân; 4,10-55,2% và 10,8-15,1% vụ hè thu; 91,6-96,8% và 7,63% vụ thu đông.

Về thu hoạch, khuyến cáo nông dân đồng bằng sông Cửu Long gặt lúa bằng máy gặt đập liên hợp cắt giữa thân cây để giảm thất thoát sau thu hoạch và gia tăng chất lượng gạo khi xay trà. Đề tài đã liên kết với doanh nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của 4 tỉnh ứng dụng gói kỹ thuật tiên tiến trên diện rộng (quy mô ≥ 27 ngàn ha/năm).

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20226225-26/GGN 21-12-072)