Nghiên cứu xây dựng gói kỹ thuật nhằm tăng năng suất và hiệu quả sản xuất ngô ở các tỉnh miền Bắc
09/08/19 10:41AM
Trồng trọt

Tên đề tài: Nghiên cứu xây dựng gói kỹ thuật nhằm tăng năng suất và hiệu quả sản xuất ngô ở các tỉnh miền Bắc

Tổ chức chủ trì: Viện nghiên cứu Ngô

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS Lê Quốc Thanh

Các cá nhân tham gia đề tài: TS. Nguyễn Văn Tạo, TS. Đặng Ngọc Hạ, TS. Lương Văn Vàng, TS. Vũ Ngọc Quý, KS. Lê Văn Vượng, ThS. Trịnh Đức Toàn, ThS. Nguyễn Đức Anh, ThS. Lê Thị Thủy, ThS. Đàm Quang Minh, PGS.TS Nguyễn Thế Hùng, TS. Lưu Ngọc Quyến

Thời gian thực hiện: 1/2015-6/2018

Kinh phí thực hiện: 5.900 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định 4958a/QĐ-BNN-KHCN ngày 19 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Ngày phê duyệt: ngày 27 tháng 12 năm 2018 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Nghiên cứu đánh giá được thực trạng sản xuất ngô ở các tỉnh đại diện cho sản xuất ngô ở vùng cao đất dốc vùng Bắc Trung Bộ, vùng miền núi nơi có điều kiện thâm canh cao và sản xuất ngô Đông trên đất sau hai vụ lúa ở vùng đồng bằng sông Hồng, đó là: sản xuất ngô manh mún, nhỏ lẻ; Gieo trồng, chăm sóc ngô chưa theo quy định bón phân không đủ số lượng, mất cân đối các loại phân; Thiếu lao động trầm trọng, chất lượng lao động thấp; Ít sử dụng cơ giới hóa trong quá trình sản xuất chế biến ngô; Ít sử dụng thuốc trừ cỏ đặc và các loại thuốc dùng cho cây ngô, phòng trừ sâu bệnh hại cho ngô không kịp thời và thu hoạch muộn dẫn đến tổn thất sau thu hoạch và chất lượng sản phẩm thấp.

Tuyển chọn và xác định được đặc điểm chính của các giống ngô phù hợp với điều kiện canh tác cho từng gói kỹ huật đó là: các giống ngô có thời gian sinh trưởng thuộc nhóm trung bình sơm, khả năng chống chịu tốt đặc biệt là chịu hạn, màu vàng, dạng hạt bán đá sẽ phù hợp với canh tác ở vùng cao đất dốc Bắc Trung Bộ; các giống có thời gian sinh trưởng thuộc nhóm trung bình hoặc dài ngày, khả năng chống chịu tốt, chịu thâm canh, chịu mật độ cao, màu vàng da cam, dạng hạt bán đá hoặc bán răng ngựa sẽ phù hợp với canh tác ở miền núi; Các giống có thời gian sinh trưởng thuộc nhóm ngắn ngày hoặc trung bình sớm, chống chịu tốt nhất là chịu hạn và chịu rét, hạt dạng đá hoặc bán đá màu vàng sẽ phù hợp cho canh tác ngô Đông.

Xây dựng ba quy trình kỹ thuật canh tác tổng hợp cho ba gói kỹ thuật canh tác ngô là: Quy trình canh tác tổng hợp và cơ giới hóa từng phần cho sản xuất ngô đạt năng suất 6-7 tấn/ha ở vùng Bắc Trung Bộ; Quy trình kỹ thuật canh tác tổng hợp và cơ giới hóa từng phần cho sản xuất ngô đạt năng suất 10,0-12,0 tấn/ha ở vùng miền núi phía Bắc nơi có điều kiện thâm canh cao; Quy trình kỹ thuật canh tác tổng hợp và cơ giới hóa từng phần cho sản xuất ngô đông trên đất sau hai vụ lúa ở vùng đồng bằng sông Hồng đạt 6-7 tấn/ha. Xây dựng hai mô hình trình diễn cho sản xuất ngô  cho vùng cao đất dốc vùng Bắc Trung Bộ, vùng miền núi phía Bắc và trên đất sau hai vụ lúa ở vùng đồng bằng sông Hồng.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-DT20195564)