Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ chế biến thức ăn dạng lỏng từ sắn, ngô, phụ phẩm còn tươi cho chăn nuôi lợn trang trại và nông hộ
31/12/20 08:19AM
Chăn nuôi

Tên đề tài: Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ chế biến thức ăn dạng lỏng từ sắn, ngô, phụ phẩm còn tươi cho chăn nuôi lợn trang trại và nông hộ

Tổ chức chủ trì: Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: ThS. Lê Quang Thành

Các cá nhân tham gia đề tài: KS. Lê Quý Tùng, PGS.TS. Vũ Văn Hạnh, KS. Nguyễn Đình Lâm, KS. Trần Quốc Tuấn, KS. Trần Xuân Thành, KS. Nguyễn Thị Thúy, ThS. Nguyễn Đức Hải, KS. Nguyễn Văn Nam, TS. Lê Quý Tường

Thời gian thực hiện: 01/2019-12/2019

Kinh phí thực hiện: 7.420 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 954/QĐ-BNN-KHCN ngày 19 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Ngày nghiệm thu: Ngày 31 tháng 3 năm 2020 tại Hà Nội

 

Kết quả nghiên cứu:

Đề tài đã chọn lọc 02 chủng vi khuẩn lactic lên men sắn tươi, bã sắn tươi, tinh bột tươi (BS5a và BS8b), 02 chủng lên men lactic trên ngô tươi (BS5a, NT4). Sản xuất được trên 209 tấn thức ăn dạng lỏng, có tỷ lệ vật chất khô từ 20 -22%, hàm lượng protein đạt 19,98% ở lợn con, 18,21% ở lợn hậu bị choai, 16,67% ở lợn nái mang thai, 17,64% ở lợn nái đẻ.

Đồng thời, xây dựng được 01 quy trình chế biến sắn tươi, ngô tươi cho chăn nuôi hộ gia đình, với các thông số: Tỷ lệ vật chất khô lên men nhỏ hơn 20%, thời gian lên men tối thiểu 24 giờ, yêu cầu thiết bị gồm: Máy nghiền (1-2 tấn/giờ), đóng bao nilon hoặc bể xi măng chứa hỗn dịch lên men. Sản phẩm lên men yêu cầu tỷ lệ VCK từ 18 đến 22%, pH đạt dưới 3,5. Và xây dựng được 01 quy trình chế biến sắn tươi, ngô tươi cho chăn nuôi quy mô trại vừa và lớn, với các thông số: Tỷ lệ vật chất khô lên men nhỏ hơn 20%, thời gian lên men tối thiểu 24 giờ, yêu cầu thiết bị gồm: Máy nghiền (3-5 tấn/giờ), vít tải liệu hoặc bơm trục vít, máy trộn hoặc bồn khuấy, chứa trong bao jumbo (1 -3 tấn/bao) hoặc bồn chứa HDPE, bể chứa bê tông, bồn chứa bằng sắt hoặc inox. Sản phẩm lên men yêu cầu tỷ lệ VCK từ 18 đến 22%, pH đạt dưới 3,5.

Đề tài cũng đã xây dựng 01 quy trình chế biến lợn loại làm thức ăn chăn nuôi, sử dụng thiết bị máy xay thịt, nồi áp suất cao, lò nung áp suất cao, thành phần bột thịt xương chế biến không nhiễm các vi sinh vật gây bệnh. Xây dựng 12 công thức thức ăn cho 3 loại nguyên liệu tươi (sắn, ngô, bã sắn) lên men trên 4 đối tượng lợn gồm 4 công thức thức ăn sử dụng sắn tươi lên men lactic, 4 công thức thức ăn sử dụng ngô tươi lên men lactic, 4 công thức thức ăn sử dụng bã sắn tươi lên men lactic.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20205927-29)